Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của Tp.HCM chiều 14/12, đại diện Công an Tp.HCM đã trả lời về các vấn đề xoay quanh công tác kiểm tra nồng độ cồn. Trong đó, người dân, dư luận còn nhiều thắc mắc trong việc lực lượng CSGT có thay ống thổi mới sau mỗi lần đo nồng độ cồn hay không.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an Tp.HCM, cho biết, khi đo nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ thực hiện 2 bước. Bước đầu tiên là kiểm tra định tính và bước tiếp theo là kiểm tra định lượng.
Đối với kiểm tra định tính, người dân chỉ thở vào phễu máy đo vài giây chứ không cần ngậm ống thổi. Nếu không phát hiện cồn trong hơi thở, người dân sẽ tiếp tục lưu thông.
Nếu phát hiện có cồn trong hơi thở, người vi phạm sẽ được mời vào một khu vực để kiểm tra định lượng. Lúc này, người vi phạm sẽ được kiểm tra bằng máy dùng ống thổi.
"Theo quy định, mỗi người vi phạm sẽ dùng một ống thổi riêng. CSGT sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy. Sau khi có kết quả đo, các lực lượng sẽ lập biên bản, tạm giữ phương tiện", ông Lê Mạnh Hà làm rõ.
Đại diện Công an Tp.HCM thông tin thêm, nếu người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới thì có thể yêu cầu CSGT thay ống thổi khác. Nếu đơn vị, cá nhân nào của Công an Tp.HCM chưa thực hiện đúng quy định, người dân có thể phản ánh tới Công an thành phố để kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý.
Trước đó, tại phiên thảo luận của kỳ họp HĐND Tp.HCM ngày 7/12, thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an Tp.HCM, cho biết, trong năm qua, lực lượng chức năng trên địa bàn đã tăng cường kiểm soát vấn đề sử dụng rượu bia, ma túy khi tham gia giao thông trên địa bàn. Những đợt cao điểm đã mang lại kết quả khi thành phố đã kéo giảm 99 vụ tai nạn so với cùng kỳ.
"Trong việc kiểm tra nồng độ cồn, tất cả những lần kiểm tra, công an đều dùng đầu thổi riêng. Việc kiểm tra cũng có chương trình, kế hoạch, không gây ùn tắc và xáo trộn về trật tự an toàn giao thông", Phó Giám đốc Công an Tp.HCM nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các hội, nhóm có tên gọi như “Hội bùng nợ”, “Hội vỡ nợ làm liều”… Trên thực tế, có không ít vụ cướp đối tượng gây án khai quen qua các hội, nhóm này rồi rủ đi cướp, như vụ cướp ngân hàng ở Hóc Môn hồi tháng 10/2023.
Phản hồi vấn đề trên, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới và ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp.
Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó có các hội, nhóm kín trên mạng (trên Zalo, Telegram, Facebook…) được lập ra với mục đích tìm cách trốn nợ, vay nợ, bùng nợ hay bàn bạc cướp tài sản, tội phạm cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác.
"Do đây là môi trường dễ dàng tập hợp nhiều đối tượng đang rơi vào khó khăn, túng quẫn và lười lao động nên chúng dễ có xu hướng hình thành tư tưởng phạm tội và băng nhóm tội phạm", thượng tá Hà cảnh báo và cho hay, hiện hầu hết hội nhóm kể trên do các tập đoàn xuyên biên giới điều khiển, khó kiểm soát.
Do đó, Công an Tp.HCM cảnh báo người dân, gia đình quản lý con em khi tham gia các hội nhóm này, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật xảy ra.
Bên cạnh đó, thượng tá Hà cho biết, Công an Tp.HCM đã áp dụng 3 giải pháp chính để điều chỉnh tình trạng trên. Một là, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị Bộ chủ quản yêu cầu các công ty cung ứng dịch vụ mạng xã hội nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội, nhóm, tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung vi phạm.
Hai là, Công an Tp.HCM cũng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là: tội phạm sử dụng ma túy, tín dụng đen, cờ bạc. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi hướng dẫn người khác phạm tội trên mạng; hành vi lợi dụng không gian mạng lôi kéo, tập hợp băng nhóm tội phạm.
Ba là, Công an Tp.HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm. Trong đó, cơ quan chức năng chú trọng cảnh báo, khuyến cáo hành vi tạo lập hoặc tham gia các hội nhóm có tính chất, xu hướng tội phạm, vi phạm pháp luật để người dân chủ động nhận biết, không tham gia.