Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 6%. Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn rất lớn, nhưng cũng có rất nhiều địa điểm đầu tư mời gọi các doanh nghiệp này. Vậy bài toán đặt ra là chính sách, hạ tầng của Việt Nam sẵn sàng đến đâu, để từ các chuyến thăm trở thành những quyết định đầu tư thực tế của những doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới?
Thưởng thức ẩm thực đường phố Việt Nam như cà phê, phở… là cách Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip Nvidia hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, nơi tập đoàn hàng đầu thế giới về chip bán dẫn này mong muốn thiết lập trung tâm sản xuất.
"Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI", ông Jensen Huang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia, cho biết.
Việc sản xuất chip đòi hỏi nhiều lớp công nghệ cao và các lĩnh vực chuyên sâu liên quan. Như vậy, mạng lưới các đối tác, nhà máy sản xuất trong chuỗi cung ứng sẽ phải đáp ứng theo. Vì vậy để đón được các tập đoàn bán dẫn hàng đầu, cũng cần những đối tác trong nước đủ sức tham gia chuỗi sản xuất.
Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, nhưng cơ hội không chia đều cho tất cả. (Ảnh minh họa - Ảnh: USA Today)
"Với chiến lược xây dựng một nhà máy với quy mô lớn nhất thế giới của tập đoàn, chúng tôi đã khảo sát nhiều địa điểm để lựa chọn đặt nhà máy và đã lựa chọn Việt Nam vì hệ sinh thái nhiều nhà cung ứng bán dẫn, thiết bị điện tử, vi mạch. Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia trong nhóm đầu xuất khẩu công nghệ cao", ông Giel Rutten, Tổng Giám đốc điều hành toàn cầu Tập đoàn Amkor Technology, cho hay.
Nguồn nhân lực cao cũng là chìa khóa của ngành bán dẫn với 3 trụ cột gồm: nhân lực trình độ đại học; kỹ sư chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn và đội ngũ nhân tài khoa học.
"Sẽ đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư, 1.000 thạc sĩ, 100 tiến sĩ chuyên sâu trong ngành này. Không chỉ là đào tạo mới, chúng ta có thể đào tạo lại những người học trong ngành gần với ngành này", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.
"Lĩnh vực bán dẫn sẽ yêu cầu những chính sách, hạ tầng sẵn sàng cho nhiều bên tham gia từ thiết kế, đóng gói vi mạch, kể cả doanh nghiệp có khả năng phát triển sản phẩm điện tử. Từ sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng tại Hoa Kỳ hồi tháng 9 vừa qua, nhiều tập đoàn trong hiệp hội của chúng tôi đã nhìn nhận và định hướng mở rộng đầu tư nghiên cứu tại Việt Nam thời gian tới", ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ, thông tin.
Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, nhưng cơ hội không chia đều cho tất cả, chỉ khi sẵn sàng về hạ tầng, chính sách, nguồn nhân lực, Việt Nam mới có thể trở thành điểm đến thực sự của các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu.
VTV.vn - Theo TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm bán dẫn mới của thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của Công nghiệp điện tử là đầu ra cho chip bán dẫn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.65922940241213202-ioig-eht-uad-gnah-nad-nab-naod-pat-cac-nod-gnas-nas/et-hnik/nv.vtv