Phức tạp ký gửi, ký chờ ở văn phòng công chứng
Ngày 14/12, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Đà Nẵng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm đoàn Luật sư Đà Nẵng cho biết, hiện nay, các tổ chức văn phòng công chứng vẫn để xảy ra tình trạng ký gửi, ký chờ và chi phần trăm hoa hồng cho các ngân hàng, các dịch vụ.
Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã có chấn chỉnh nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng.
Tình trạng ký gửi, ký chờ gây thất thu thuế cho ngân sách Thành phố này. Đồng thời, các đối tượng tội phạm lợi dụng việc này nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua dịch vụ ký gửi, ký chờ.
Ông Lương Công Tuấn, Tổ đại biểu HĐND đơn vị quận Hải Châu cũng cùng quan điểm. Tình trạng ký gửi, ký chờ tại các văn phòng công chứng hiện nay rất phức tạp. Hậu quả là thất thu Nhà nước lớn.
Thế nhưng, đến nay, chưa xử lý trường hợp nào về hành vi này. “Việc này đang làm méo mó thị trường bất động sản trên địa bàn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn đề nghị Sở Tư pháp phải phối hợp ngành công an và phải có nghiệp vụ mới nắm được. Vì các hồ sơ ký gửi, ký chờ không để ở văn phòng công chứng nên khi kiểm tra không thể xác định được vi phạm.
“Phải có giải pháp mới làm được việc này. Làm quyết liệt để thị trường bất động sản của Thành phố lành mạnh và hoạt động theo trật tự vốn có”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Huỳnh Bá Cử nhận định, hiện nay, thành phố có 34 tổ chức hành nghề công chứng là nhiều. Do đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra điều kiện hành nghề công chứng của các đơn vị này để kiểm tra tốt hơn.
Cần mạnh tay xử lý
Liên quan vấn đề này, bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho hay, hiện Thành phố này có 34 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động. Trong đó, 3 phòng công chứng và 31 văn phòng công chứng.
UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện nhiều nội dung, biện pháp như phối hợp Cục thuế kiểm tra chuyên đề thu phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đối với hợp đồng thế chấp, cũng như việc kê khai tại các tổ chức hành nghề công chứng nhằm chống thất thu thuế. Sở Tư pháp cũng tích cực thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Công an Thành phố này tham mưu, xây dựng trình UBND thành phố ban hành Quyết định 2543 ngày 20/11 về quy chế phối hợp và chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Riêng năm 2023, Sở kiểm tra 5 tổ chức hành nghề công chứng. Qua kiểm tra, Sở nhắc nhở, chấn chỉnh một số hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính.
Trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công chứng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với cơ quan điều tra và đã đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng cung cấp thêm thông tin. Trong 2 năm 2019 và 2020, một số hồ sơ công chứng được thông tin và có kiểm tra. Sở có chuyển cơ quan điều tra nhưng sau cùng chưa xử lý được việc ký gửi, ký chờ.
Thời gian đến, Sở sẽ nghiên cứu và đề ra giải pháp để phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác này nhằm phần nảo đảm bảo an toàn dân sự của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Liên quan vấn đề này, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nhận định, tình trạng ký gửi, ký chờ tức mua giá 10 đồng nhưng chỉ kê khai 2 đồng. Người bán và người mua đều có lợi, riêng Nhà nước chịu thiệt, thất thu thuế.
Thời gian qua, lãnh đạo Thành phố này cũng nhận được nhiều đơn thư liên quan các văn phòng công chứng về vấn đề này. Do đó, đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra.