Sáng sớm nay (15-12), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam rời sân bay Nội Bài đến Tokyo, Nhật Bản tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật.
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo một số địa phương.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản sẽ khai mạc vào sáng chủ nhật (17-12). Tại đây, lãnh đạo Nhật Bản và các nước ASEAN sẽ có các phiên họp chính về kiểm điểm và định hướng hợp tác ASEAN - Nhật Bản và tình hình thế giới và khu vực.
Dự kiến các nhà lãnh đạo đôi bên sẽ ra "Tuyên bố Tầm nhìn về quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản: Đối tác tin cậy" và kế hoạch triển khai tuyên bố này.
Hội nghị thượng đỉnh cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) cũng sẽ được tổ chức, với sự chủ trì của Thủ tướng Kishida Fumio.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết sau chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 11 vừa qua, quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên thành "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á và trên thế giới".
Trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội đàm cấp Thủ tướng đầu tiên sau khi nâng cấp quan hệ song phương sẽ được tổ chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các chính khách, lãnh đạo nhiều địa phương, tập đoàn kinh tế lớn, tham dự các diễn đàn, đối thoại kinh tế, thương mại…
Đại sứ Yamada Takio khẳng định Nhật Bản mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như chuyển đổi xanh (GX), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX), công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đào tạo nhân lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện được việc phát triển kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài ra, Nhật Bản cũng mong muốn làm sôi động trở lại viện trợ ODA, đặc biệt là hỗ trợ trong xây dựng hạ tầng quan trọng cho phát triển của Việt Nam.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản, hồi tháng 5 ông đã đến Hiroshima tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 mở rộng.
FDI của Nhật Bản vào Việt Nam lũy kế tính đến thời điểm hiện tại là 71 tỉ USD với gần 5.200 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỉ USD, tăng 50% so với cùng kỳ 2022.
Việt Nam có khoảng 500.000 người đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, là cộng đồng người nước ngoài đứng thứ 2 về số lượng tại quốc gia này. Người Việt Nam có mặt trên khắp 47 tỉnh, thành Nhật Bản.
Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản sẽ hội đàm trực tiếp tại Tokyo, là cuộc họp cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.