Sau cuộc họp chính sách hôm 13/12, FED đã lần đầu tiên đưa ra tín hiệu rõ ràng về chu kỳ lãi suất hiện hữu. Theo đó, FED tuyên bố chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất hiện nay đồng thời dự báo khoảng 3 lần giảm lãi suất năm 2024. Ngay lập tức, thị trường tài chính đã phản ứng tích cực với thông điệp này trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ lần đầu giảm xuống dưới 4% kể từ tháng 8 vừa qua.
Vậy túi tiền của bạn sẽ bị ảnh hưởng ra sao với chính sách của FED? Dưới đây là câu trả lời từ Bloomberg.
Khoản đầu tư có bị ảnh hưởng hay không?
Ngay sau bài phát biểu của ông Powell, cả cổ phiếu lẫn trái phiếu doanh nghiệp nhìn chung đều tăng. Thậm chí, đó còn được coi là ngày tốt nhất sau quyết định chính sách của FED trong suốt 15 năm qua.
Việc giảm lãi suất nói chung là chất xúc tác tích cực cho giá cổ phiếu, đặc biệt là các công ty được dự báo tăng trưởng trong tương lai. Những tài sản rủi ro, bao gồm cổ phiếu công nghệ hay trái phiếu lợi suất cao, cũng sẽ hưởng lợi.
Matt Maley, giám đốc chiến lược thị trường tại Miller Tabak + Co, cho rằng: “Giả định FED hiện không lo lắng về suy kinh tế đã bật đèn xanh cho các nhà đầu tư tiếp tục mua tài sản rủi ro bằng cả 2 tay”.
Tài sản trên toàn thế giới cũng được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất ở Mỹ.
Chamath De Silva, nhà quản lý quỹ cấp cao tại BetaShares Holdings ở Sydney, Australia, cho biết: “Một phản ứng ôn hòa với chứng khoán và đồng USD sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán châu Á trừ Nhật Bản”.
Với những danh mục đầu tư phân bổ tỷ lệ 60/40 thì sao?
Cấu trúc danh mục đầu tư điển hình, gồm 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, gần đây gặp khó khăng nhưng hiện tại lại sẵn sàng để đạt thành tựu.
Trong nhiều thập kỷ, danh mục đầu tư kiểu này đã tạo ra lợi nhuận tốt. Ý tưởng từ lâu là cổ phiếu mang lại sự tăng trưởng và trái phiếu mang lại sự ổn định tương đối với giả định rằng cả hai không có mối tương quan chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, điều đó không còn đúng sau khi FED tăng lãi suất. Cả giá cổ phiếu và trái phiếu đều giảm vào năm ngoái và các danh mục đầu tư phân bổ theo tỷ lệ 60/40 thực tế đã giảm 17%, hiệu suất tệ nhất kể từ năm 2008. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng theo thời gian, một số danh mục đầu tư vào những cổ phiếu nhất định đã đánh bại những danh mục có cả loại tài sản này.
Trở lại với chính sách lãi suất của FED, nếu lãi suất giảm trong năm tới, giá cổ phiếu có thể tăng và khiến lợi suất trái phiếu giảm xuống. Mức độ tăng, giảm ra sao còn phục thuộc vào tốc độ hạ lãi suất của FED.
Nếu một cuộc suy thoái xảy ra, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn. Nhưng nếu FED cắt giảm lãi suất dựa trên việc bình thường hóa lạm phát và thực hiện một cú hạ cánh mềm, các nhà đầu tư sẽ khôn ngoan hơn khi mua vào trái phiếu lúc này, Elliot Pepper, nhà hoạch định tài chính và giám đốc thuế tại Northbrook Financial ở Baltimore, Mỹ cho biết.
Vậy tiền tiết kiệm thì sao?
Hiện tại đang là quãng thời gian tuyệt vời để thu lợi từ tiền mặt thông qua phương thức gửi tiết kiệm với mức lãi suất cực cao. Không chỉ ở Mỹ, lãi suất huy động còn cao ở nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như 5,7% ở Australia hay 6% ở New Zealand.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất sẽ đặt dấu chấm hết cho “kỷ nguyên vàng” này. Các ngân hàng thường đưa ra lãi suất huy động dựa theo lãi suất chuẩn mà các ngân hàng trung ương công bố. Dẫu vậy, sự cạnh tranh tiền gửi giữa các ngân hàng có thể khiến lãi suất huy động không giảm quá nhanh.
Khi nói tới tỷ giá hối đoái, tác động sẽ phục thuộc vào loại tiền tệ bạn đang nắm giữ là gì. Với đồng USD, đó rõ ràng không phải tin tốt. Ngay sau công bố của FED, mọi loại tiền trong rổ tiền tệ đều tăng so với đồng USD, đặc biệt là ở châu Á. Đồng Yên nhật vượt lên mức cao nhất kể từ tháng 8 và tiếp tục tăng. Đồng won của Hàn Quốc và ringget của Malaysia tăng hơn 1% so với đồng bạc xanh.
Vậy lãi suất thế chấp và thẻ tín dụng thì sao?
Người mua nhà cuối cùng cũng có thể thấy nhẹ nhõm hơn vào năm 2024. Lãi suất thế chấp thường giảm khi FED hạ lãi suất. Điều này có thể giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả cho các khoản vay mua nhà trên toàn cầu.
Lãi suất thế chấp ở Mỹ cũng vừa giảm tuần thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 với lãi suất hợp đồng thế chấp cố định 30 năm hiện ở mức 7,07%.
Chi phí với người sử dụng thẻ tín dụng cũng có thể giảm vì các tổ chức phát hành thẻ thường sử dụng lãi suất cơ bản do FED ban hành để làm cơ sở tính lãi cộng với chênh lệch bổ sung. Điều đó sẽ giúp người tiêu dùng giảm bớt số tiền phải trả.
Quyết định của FED ảnh hưởng ra sao trên toàn cầu?
Lãi suất cao hơn của Mỹ khiến tài sản định giá bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn, hút tiền ra khỏi các thị trường khác và khiến đồng nội tệ của họ giảm giá. Một số quốc gia đã bảo vệ đồng tiền của mình trước một đồng bạch xanh không ngừng mạnh lên, làm tăng lạm phát và khiến việc trả nợ các khoản vay bằng đồng USD trở nên khó khăn hơn. Việc FED xoay trục cũng có thể làm cho xu hướng này đảo ngược.
Tham khảo: Bloomberg
Xem thêm: nhc.769429311512132881-oas-ar-gnouh-hna-ib-es-nab-auc-neit-iut-taus-ial-maig-def/nv.fefac