Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của 44 thị trường trên thế giới. Trong đó, 10 tháng đầu năm, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với sản lượng 127.000 tấn, chiếm 22,2% thị phần.
Đặc biệt, giá thịt nhập khẩu bình quân từ Ấn Độ về Việt Nam giảm 6,8% so với cùng kỳ 2022, xuống còn 2.982 USD một tấn (tương đương khoảng 72.000 đồng một kg).
Ghi nhận trên các chợ mạng cho thấy thịt bò, trâu từ Ấn Độ được bán với giá rẻ nhất thị trường, dao động 60.000-100.000 đồng một kg (tùy loại). Trong đó, nạm bò là 63.000 đồng một kg, còn nạc đùi chỉ 107.000-110.000 đồng.
Chị Oanh - chủ cơ sở thịt nhập khẩu ở quận Tân Bình (TP HCM) - cho biết chưa năm nào giá bò Ấn Độ lại rẻ như năm nay. Hiện, giá các loại thịt trâu, bò của nước này chỉ bằng một nửa hàng Việt. Thịt bò phile của Việt Nam đang là 250.000-280.000 đồng một kg, trong khi thịt bò Mỹ, Australia lên tới 350.000-450.000 đồng mỗi kg.
Ông Toàn, chủ cơ sở nhập thịt đông lạnh ở quận 7, cho biết thịt trâu, bò Ấn Độ năm nay nhập về đủ chủng loại. Đây là sản phẩm được các cơ sở chế biến, quán ăn ưa chuộng vì giá hấp dẫn mà chất lượng thịt không thua kém so với các nước khác. "Giá rẻ nhưng chúng được nhập chính ngạch và đóng gói hút chân không về Việt Nam nên đảm bảo an toàn thực phẩm", ông Toàn nói.
Giá thịt bò nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam rẻ là do nguồn cung năm nay khá dồi dào. Đây là quốc gia nuôi trâu, bò với quy mô rất lớn, chiếm tỷ trọng 58-60% sản lượng trâu, bò trên toàn thế giới. Tuy nhiên, người dân nước này không ăn thịt bò nên đa phần xuất khẩu đi khắp thế giới.
Hai năm gần đây, kinh tế suy thoái nhu cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia giảm, người sử dụng thịt bò trước đây có xu hướng chuyển dịch sang ăn chay nhiều hơn nên khiến nguồn cung từ Ấn Độ càng dư thừa, đẩy giá đi xuống.
Ngoài ra, theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, hàng nhập lậu tăng mạnh cũng là nguyên nhân. Thống kê của nhà chức trách cho thấy, 9 tháng đầu năm đã phát hiện 131 vụ nhập lậu sản phẩm động vật, gia cầm vào Việt Nam, tăng 14,5 lần so với năm 2022.
Hồng Châu