Hội thảo được tổ chức nhằm tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp giúp người tiêu dùng hiểu đúng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn sản xuất, nâng cao quy trình kiểm soát, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt là các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu của ngành vật liệu nội thất Việt Nam…
Hội thảo vinh dự đón tiếp hơn 200 khách mời là các đại biểu lãnh đạo cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu, giảng viên các trường đại học uy tín trong lĩnh vực sản xuất, thiết kế và thi công vật liệu nội thất.
Về Phía Bộ Xây dựng có ông Nguyễn Quang Hiệp - phó Vụ trưởng thường trực Vụ Vật liệu xây dựng; ông Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng. Còn phía Sở Xây dựng TP.HCM có bà Nguyễn Ngọc Thanh - trưởng phòng Vật liệu xây dựng, bà Hoàng Thị Ánh Tuyết - trưởng phòng Pháp chế tham dự. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu nội thất và sức khỏe.
Hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thông tư 04 năm 2023 của Bộ Xây dựng về thúc đẩy ngành sản xuất, thi công vật liệu nội thất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng trong bối cảnh nhiều sản phẩm nội thất hiện nay được sản xuất phần lớn từ gỗ công nghiệp, rất ít người quan tâm đến yếu tố sức khỏe và nguồn gốc.
Khi báo Tuổi Trẻ xây dựng tuyến bài về vật liệu nội thất, đã làm khảo sát hơn 1 tháng và đặt ra câu hỏi "khi sử dụng vật liệu nội điều bạn quan tâm là gì". Kết quả có 24% bạn đọc quan tâm về mẫu mã, 17% quan tâm giá trong khi ở các thị trường mà Việt Nam đang xuất khẩu như Mỹ, EU, 2 yếu tố được đặt lên hàng đầu là an toàn và nguồn gốc.
Vừa qua Bộ xây dựng đã ban hành thông tư 04 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có hiệu lực từ 1-1-2024, đây là thời điểm cần làm rõ thêm những quy chuẩn đó để làm sao giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức chọn lựa sản phẩm an toàn và bền vững.
"Đây là điều các cơ quan truyền thông thấy cần có trách nhiệm để làm công tác truyền thông đúng về các sản phẩm vật liệu nội thất, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng. Đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp sản xuất, thị trường nội thất tiếp tục phát triển hơn nữa tại thị trường nội địa hơn 100 triệu dân", ông Toàn nói.
Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ mong các chuyên gia trong các lĩnh vực, y tế, kiến trúc chia sẻ thêm góc nhìn tại hội thảo, đặc biệt là vấn đề về khả năng gây hại đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng khi lựa chọn vật liệu nội thất….
Tuổi Trẻ tiếp tục cập nhật
Theo Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tính đến năm 2023, Việt Nam có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp gỗ và nội thất.