Một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe lâu dài đang được ngày càng nhiều gia đình Việt lựa chọn là đầu tư vào máy lọc không khí. Tuy nhiên, việc chọn đúng máy lọc không khí phù hợp trong số rất nhiều mẫu đang được bán trên thị trường là điều không đơn giản.
Dưới đây là 5 lưu ý quan trọng khi bạn chọn mua máy lọc không khí.
Các loại màng lọc có trong máy lọc không khí
Máy lọc không khí được trang bị nhiều loại hệ thống lọc và làm sạch khác nhau. Ví dụ, tia cực tím sử dụng bức xạ điện từ để tiêu diệt vi khuẩn, vi rút và nấm mốc nhưng không thể loại bỏ bụi, chất gây dị ứng hoặc các hạt trong không khí.
Bộ lọc than hoạt tính phản ứng hóa học với các chất ô nhiễm để làm sạch khói, mùi và khí độc trong không khí, nhưng không lọc được các hạt bụi mịn có hại cho sức khỏe.
Máy tạo ion âm (ioniser) hoạt động bằng cách phóng ra một dòng ion tích điện để thu hút bụi và các chất gây dị ứng. Mặc dù được sử dụng khá rộng rãi, nhưng máy tạo ion âm thể tạo ra ozone trên mặt đất, làm tăng lượng ozone trong nhà và gây nguy cơ kích ứng phổi.
Bộ lọc tiêu chuẩn HEPA H13 có hiệu quả cao trong việc thu giữ 99,95% các hạt nhỏ tới 0,1 micron như chất gây dị ứng, vi khuẩn, vi rút H1N1, phấn hoa và bào tử nấm mốc. Tuy nhiên, chỉ mình bộ lọc HEPA sẽ không loại bỏ được khí formaldehyde.
Cảm biến và khả năng cảnh báo mức độ ô nhiễm thông minh
Một số máy lọc được trang bị cảm biến và đủ thông minh để phản ứng bằng cách tự động lọc không khí khi phát hiện chất gây ô nhiễm. Để có thể “cảm nhận” được môi trường, máy lọc cần được trang bị chức năng cảm biến chất lượng không khí.
Đồng thời, máy cũng cần có phần mềm và thiết bị điện tử thông minh cho phép xử lý các thông tin lấy từ cảm biến, từ đó phản ứng bằng cách kích hoạt chức năng lọc không khí.
Trong không gian nhà ở, cách duy nhất để đánh giá đúng khả năng hoạt động của máy là theo dõi chất lượng không khí trong nhà. Một số máy được trang bị màn hình kỹ thuật số hiển thị liên tục chất lượng không khí trong nhà, bao gồm thông tin về loại và mức độ tập trung của các hạt bụi. Điều này cho phép người dùng hiểu rõ hơn về “xu hướng” chất lượng không khí trong nhà mình.
Khả năng loại bỏ các hạt mịn và siêu mịn
Nhận thức được những “kẻ thù vô hình” mà chúng ta đang đối phó trong nhà là điều quan trọng. PM2.5 là kích thước hạt bụi thường được nhắc đến, đặc biệt trong thời gian cao điểm về ô nhiễm và sương mù.
Tuy vậy, các hạt bụi không dừng lại ở kích cỡ 2,5 micron. Các hạt PM0.1, hay còn gọi là “hạt siêu mịn”, có thể dễ dàng xâm nhập vào phế nang và thậm chí vào mạch máu của con người.
Khả năng lưu thông không khí và lọc toàn bộ căn phòng
Các chỉ số đánh giá máy lọc không khí theo tiêu chuẩn ngành là một trong những thông tin bạn có thể tham khảo khi lựa chọn máy. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng một vài thử nghiệm đánh giá máy lọc không khí theo tiêu chuẩn của ngành được thực hiện trong môi trường phòng thí nghiệm được kiểm soát, và có thể không phản ánh đúng các tình huống thực tế mà người dùng hay gặp phải khi sử dụng máy lọc không khí tại nhà.
Chỉ số CADR (Clean Air Delivery Rate - Tốc độ phân phối không khí sạch) yêu cầu thử nghiệm máy lọc không khí trong buồng nhỏ có thể tích từ 28m3 đến 30m3 với quạt thổi để lưu thông.
Trong khi đó, các phương pháp thử nghiệm khác như POLAR (Phản hồi tự động tải điểm - Point Loading Auto Response), với diện tích thí nghiệm là 81m3 và không có quạt bên ngoài để hỗ trợ lưu thông không khí, sẽ gần với môi trường thực tế hơn so với các bài kiểm tra tiêu chuẩn ngành.
Không giống như CADR, phương pháp kiểm tra POLAR đánh giá khả năng của máy trong việc loại bỏ các hạt bụi và khí độc hại, khả năng phân phối không khí đồng đều và khắp toàn bộ phòng, cũng như khả năng khuếch tán luồng không khí.
Điểm đáng chú ý là một số máy lọc không khí với chỉ số CADR cao thực tế vẫn không thể làm sạch không khí hoàn toàn khi đặt trong phòng diện tích lớn, và nếu không có sự hỗ trợ của quạt trần. Những máy này nhiều khi chỉ tạo ra một “bong bóng” không khí sạch ở một góc phòng, và gặp khó khăn để lọc không khí sạch cho cả căn phòng trong môi trường sống thực tế.
Lưu ý về kích thước và trọng lượng
Một số mẫu máy lọc có thiết kế cồng kềnh và nặng, khó di chuyển giữa các phòng. Mặt khác, các mẫu máy lọc không khí với trọng lượng nhẹ lại thường có khả năng lọc không khí yếu hơn. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ.
Một số dòng máy lọc không khí tiên tiến đã được thiết kế để kết hợp chức năng của quạt với máy lọc không khí. Điều này cho phép chủ sở hữu tận hưởng 2 tính năng quạt và lọc không khí trong 1 chiếc máy duy nhất và tiết kiệm diện tích trong nhà...
Ô nhiễm không khí là điều mà chúng ta khó tránh nhất vì chúng ta cần hít thở liên tục để cung cấp oxy cho cơ thể. Các thiết bị đốt trong gia đình, xe cơ giới, cơ sở công nghiệp và cháy rừng là những nguồn gây ô nhiễm không khí phổ biến.