Trang sức giống vàng tràn lan, giá 10.000-15.000 đồng mỗi món
Khi tìm kiếm cụm từ "vàng giả" trên thanh công cụ ở sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, hàng loạt gợi ý sẽ hiện ra. Với việc tìm mua trang sức vàng mỹ ký, mô phỏng vàng, người tiêu dùng sẽ nhận được gợi ý mua những chiếc vòng tay, vòng cổ, dây chuyền dài, khuyên tai với giá bán chỉ từ 10.000 đồng một món.
Đa phần các sản phẩm đều được quảng cáo với nội dung tương tự "vàng mỹ ký nhìn như vàng thật", "vàng giả giá tốt". Nhóm sản phẩm gồm nhẫn vàng trơn nửa chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ, được đóng mộc 9999, dây chuyền dài, vòng tay, vòng cổ. Tất cả đều có giá bán từ 15.000 đồng đến 28.000 đồng/chiếc.
Với những cửa hàng hiện ở những dòng đầu tiên, lượt mua dao động từ vài nghìn tới vài chục nghìn. Tại phần đánh giá chất lượng, đa phần người mua cho biết họ rất ưng ý với sản phẩm.
"Nhẫn đẹp, bóng, đeo mãi không ngả màu, mình rất ưng, sẽ mua tiếp" là dạng bình luận tiêu biểu. Bên cạnh những bình luận khen sản phẩm, cũng không ít người thắc mắc rằng: "Không hiểu mua những cái này để làm gì".
Trên một vài nhóm kín, câu chuyện về việc mua trang sức vàng mỹ ký để đeo gây ra nhiều tranh cãi. Cư dân mạng gọi việc đeo các sản phẩm này là "khoe mẽ, làm màu, sống ảo". Số khác cho rằng cái gì mình thích, không ảnh hưởng tới ai thì mình làm và đeo vàng giả là một trong những việc không liên quan gì tới ai.
Theo Ngọc Mai, người bán trang sức mỹ ký, giả vàng, hiện tại, nhu cầu đeo trang sức giá rẻ ngày càng cao. Trung bình mỗi ngày, cô đạt được doanh thu từ 2 triệu đến 3 triệu đồng bằng việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, chưa kể việc bán lẻ qua trang cá nhân.
Khách hàng tìm đến Ngọc Mai đa phần là người trẻ, yêu thời trang, thích thay đổi. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người mua hàng của Ngọc Mai vì tâm lý thích khoe khoang, đeo trang sức để bằng bạn bằng bè.
Theo quy định của sàn thương mại điện tử Shopee, người bán có thể đăng bán các sản phẩm vàng trang sức tại Shopee Mall. Người bán cũng cần cung cấp đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh; đăng ký nhãn hiệu (nếu người bán là nhà sản xuất) hoặc giấy ủy quyền của nhãn hiệu (nếu người bán là nhà phân phối); giấy thẩm định loại nguyên liệu của trang sức (vàng, vàng dát, bạc, bạc dát hoặc đá quý, ngọc trai).
Người bán không đăng ký gian hàng trên Shopee Mall sẽ không được phép kinh doanh các sản phẩm nữ trang hay nguyên liệu vàng thật hoặc đá quý. Khi đăng bán những sản phẩm nữ trang có nguyên liệu là vàng giả/mạ vàng hoặc đá nhân tạo/ngọc trai nhân tạo, người bán cần ghi rõ chất liệu trong mô tả sản phẩm để được Shopee kiểm duyệt cho đăng bán.
Theo anh Nguyễn Hoàng Minh, cử nhân luật, trợ lý luật sư tại một công ty luật, nguyên tắc khi lập gian hàng trên các sàn thương mại điện tử để kinh doanh cần phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Điều này được quy định lại Luật Doanh nghiệp 2020.
Tuy nhiên, có không ít các cửa hàng chưa có đăng ký kinh doanh mà vẫn hoạt động, nếu bị thanh tra bất ngờ, chủ các cửa hàng trên có thể bị xử phạt hành chính. Điều này được quy định tại Khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021 của Chính phủ.
Vàng mỹ ký, trang sức giả vàng là những mặt hàng thuộc nhóm phụ kiện thời trang. Pháp luật không cấm việc lưu hành các loại phụ kiện này nếu chúng có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn rõ ràng và đã đóng thuế đầy đủ.
Còn việc bán trang sức giả vàng được coi là phạm pháp khi thuộc một trong các trường hợp sau: có nguồn gốc là hàng giả, hàng buôn, nhập lậu không có hóa đơn chứng từ; người bán giới thiệu với khách hàng là vàng thật để bán với giá cao hơn nhiều lần giá trị thực; cửa hàng không đăng ký kinh doanh, buôn bán không xuất hóa đơn, không kê khai, nộp thuế.
Phục vụ nhu cầu khoe mẽ của một bộ phận giới trẻ
Dưới góc độ người bán, chị Ngọc Mai cho rằng trang sức làm bằng kim loại rẻ tiền rất dễ để được nhận ra. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường, người tiêu dùng cũng có thể phân biệt được chất liệu của các loại dây chuyền, khuyên tai, vòng tay được làm từ vàng, bạc, kim cương hay là kim loại rẻ.
"Có không ít bạn trẻ đang ở độ tuổi học sinh cấp THCS, THPT nhưng đặt mua trang sức là những sợi dây chuyền vàng rất to", Ngọc Mai kể.
Bên cạnh những người đeo với mục đích thời trang, có nhiều bạn trẻ mua trang sức giống vàng đeo với mục đích khoe mẽ, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội sống ảo. Đây là tình trạng không mới nhưng để lại không ít hệ lụy.
Theo chuyên gia tài chính cá nhân Nguyễn Tài Tuệ, "nghèo sang chảnh" là cách sống phổ biến trong một bộ phận giới trẻ ngày nay. Không ít bạn muốn xây dựng hình ảnh bản thân là người có cuộc sống sung túc bằng cách chụp ảnh check in ở nhiều nơi, mặc quần áo hàng hiệu, đeo trang sức.
Tuy nhiên, vì thu nhập thấp, nhóm người này buộc phải dùng hàng giả, hàng nhái. Nhiều bạn trẻ sử dụng trang cá nhân sống ảo này để làm quen, thậm chí lừa gạt người khác những người nhẹ dạ, cả tin để thực hiện các hành vi phạm pháp. Cũng không ít bạn trẻ dễ dàng hẹn hò, tin những bài khoe mẽ của các đối tượng trên mạng xã hội và đem lòng thầm thương, trộm nhớ.
Ngoài ra, việc đeo vàng giả không có tác dụng trong việc giữ an toàn về mặt thân thể. Bởi lẽ, nếu xảy ra tình trạng trộm cướp, kẻ xấu sẽ không thể phân biệt bạn đang đeo vàng giả hay thật. Do vậy, nếu đeo quá nhiều trang sức không giá trị, có thể chính bạn đang đưa mình vào tầm ngắm của kẻ gian.
Việc sử dụng trang sức giống vàng, về cơ bản nằm ở sở thích của người sử dụng và không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, không ít người bỏ qua yếu tố an toàn với sức khỏe. Trang sức làm bằng kim loại, các loại chất liệu kém chất lượng có thể gây hại cho da và môi trường.
Với một vài loại trang sức làm từ chất liệu có thể chứa chì, về lâu dài, sẽ gây tác hại không tốt cho da, dễ xảy ra tình trạng kích ứng hoặc phát ban. Lời khuyên được đưa ra là hãy cẩn thận khi sử dụng trang sức làm bằng chất liệu rẻ tiền, không an toàn.