Nga đặt câu hỏi về kế hoạch của EU
"Hungary, trái ngược với nhiều nước châu Âu, kiên quyết bảo vệ lợi ích của chính mình. Điều đó làm chúng tôi (Nga) ấn tượng", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Theo Hãng tin AFP, tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels hôm 14-12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã đồng ý rời khỏi phòng họp để các lãnh đạo EU khác có thể thông qua kế hoạch mở các cuộc đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova mà không vấp phải sự phủ quyết của Hungary.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích động thái của EU về việc khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, Moldova. Ông cho rằng đó là "một quyết định mang tính chính trị", được đưa ra không phải vì lợi ích của châu Âu mà nhằm chống lại Nga.
"EU mong muốn thể hiện sự ủng hộ với các quốc gia đó (Ukraine, Moldova) theo cách này. Nhưng chắc chắn các thành viên mới như vậy thực sự có thể gây bất ổn cho EU", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Thử thách cho sự đoàn kết của EU
Đối mặt với sự không khoan nhượng của Thủ tướng Orban, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý xem xét lại vấn đề viện trợ cho Ukraine trong một hội nghị thượng đỉnh khác vào đầu năm tới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 15-12 cam kết sẽ tìm cách giải quyết sự cản trở của Hungary về gói viện trợ cho Ukraine.
Trong một tuyên bố vào cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ukraine bày tỏ mong đợi các thủ tục pháp lý cần thiết sẽ được hoàn thành vào tháng 1-2024 để nước này nhanh chóng nhận được nguồn viện trợ 54 tỉ USD.
Về quyết định mở đàm phán kết nạp Ukraine vào EU, Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi đó là "một chiến thắng mang tính thúc đẩy, truyền cảm hứng và có sức củng cố".
Nhà Trắng, mặc dù vấp phải sự phản đối từ Đảng Cộng hòa về việc ủng hộ Ukraine, cũng ca ngợi "quyết định lịch sử" của EU.
Nhưng việc EU đồng ý mở các cuộc đàm phán về kết nạp Ukraine không có nghĩa là Kiev sẽ sớm trở thành thành viên chính thức.
EU sẽ cần nhất trí về khuôn khổ của các cuộc đàm phán, tạo cho Thủ tướng Viktor Orban thêm nhiều cơ hội để trì hoãn quá trình kết nạp Ukraine một lần nữa, AFP nhận định.
Sự vắng mặt của ông Orban trong quyết định liên quan đến việc kết nạp Ukraine đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với một số nhà lãnh đạo EU. Họ lo ngại các chiến thuật như vậy có thể nhân rộng trong tương lai và làm suy yếu sự đoàn kết của khối.
"Tôi nghĩ một tiền lệ tiêu cực đang được thiết lập", Tổng thống Cyprus Nikos Christodoulides nói.
Thủ tướng Hungary chia sẻ quan điểm về những quyết định được EU đưa ra trong phiên họp ngày 14-12 về gói viện trợ mới dành cho Ukraine.