Thông tin được ông Bùi Thanh Sơn nêu trong cuộc trả lời báo chí chiều 15-12, trước thềm Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sẽ khai mạc vào tuần tới.
Theo bộ trưởng Bộ Ngoại giao, từ sau Đại hội XIII của Đảng (tháng 2-2021), tình hình thế giới và trong nước bên cạnh cơ hội lẫn thuận lợi đã có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp hơn so với dự báo, nhiệm vụ và vì thế yêu cầu đối với công tác đối ngoại nặng nề hơn trước.
"Tuy nhiên, có thể khẳng định với sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, công tác đối ngoại và ngoại giao đã khẳng định rõ bản sắc 'ngoại giao cây tre Việt Nam', là một 'điểm sáng' nổi bật trong thành tựu chung của đất nước", ông Sơn khẳng định.
Trong đó, cục diện đối ngoại rộng mở được củng cố vững chắc hơn, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Trong thời gian qua, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có nhiều cuộc điện đàm cũng như chuyến thăm thành công.
Cụ thể, các lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các nước Đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống.
Ở chiều ngược lại, các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam cũng đón tiếp lãnh đạo các nước trong gần 50 chuyến thăm của họ đến Việt Nam.
Trong số này có những "chuyến thăm lịch sử" như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10-2022), chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12-2023) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (tháng 9-2023).
Những hoạt động đối ngoại này, theo ông Bùi Thanh Sơn, đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.
"Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả", bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói thêm.
Đối ngoại đã phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù thế giới trải qua những biến động lớn, rất phức tạp, nhưng Việt Nam đã xử lý đúng đắn các vấn đề đối ngoại, quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, hòa hiếu, đồng thời linh hoạt trong sách lược, ứng xử.
Đối ngoại cũng đi đầu huy động nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là "ngoại giao vắc xin".
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao khi được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên Hiệp Quốc.
"Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay", ông Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Về Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sắp tới, bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết đây là một hội nghị quan trọng không chỉ với ngành ngoại giao, mà còn với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ở các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.
Chủ đề của hội nghị lần này là "Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".
Bên cạnh đánh giá và dự báo tình hình quốc tế, hội nghị sẽ kiểm điểm, đánh giá toàn diện kết quả hai năm triển khai vừa qua và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội XIII.
Hội nghị lần này cũng là dịp để ngành ngoại giao trao đổi một số vấn đề lớn, vấn đề mới về đối ngoại để đóng góp vào tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đối ngoại trong thời kỳ Đổi mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi về nội hàm của việc nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.