Vấn đề đặt ra là các xe này sẽ được xử lý như thế nào và khách hàng mua phải các xe này sẽ phải làm gì để đòi quyền lợi?
Xử lý hơn 3.900 xe mô tô không rõ nguồn gốc thế nào?
Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cơ giới được phép tham gia giao thông phải đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn pháp lý, chẳng hạn phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Trong vụ án này, hơn 3.900 xe mô tô có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe, không đáp ứng điều kiện lưu thông.
Trường hợp xác định những chiếc xe trên có liên quan đến tội phạm, hoặc là kết quả của việc thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan chức năng sẽ tạm giữ toàn bộ để phục vụ quá trình xác minh, điều tra, giải quyết, giám định.
Theo điều 47 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có thể hơn 3.900 xe gian này sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, bị tịch thu tiêu hủy hoặc trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Trong trường hợp này, các khách hàng đã mua xe sẽ không được nhận lại xe đã mua.
Người mua làm gì để đòi quyền lợi?
Cũng theo luật sư Mạch, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 9 đối tượng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đang mở rộng điều tra làm rõ dấu hiệu của các hành vi phạm tội khác.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, luật sư Mạch khuyến nghị các khách hàng đã lỡ mua phải xe gian cần nhanh chóng liên hệ, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin, yêu cầu xem xét, giải quyết theo hướng yêu cầu người bán xe trả lại số tiền mà khách hàng đã chi trả để mua xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh.
Trước hết, khách hàng cần chuẩn bị, thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc mua xe như hợp đồng mua bán xe, chứng từ thanh toán tiền mua xe, thông tin của bên bán xe, chứng từ lệ phí trước bạ xe, giấy chứng nhận đăng ký xe,...
Sau đó làm đơn trình báo hoặc đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết để được hướng dẫn và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu những người bỏ tiền mua xe vì tin tưởng những xe này là hợp pháp thì họ là bị hại trong vụ án.
Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét quyền, lợi ích hợp của bị hại nếu họ có đơn yêu cầu. Và người chiếm đoạt tài sản có nghĩa vụ phải trả lại tài sản cho người bị chiếm đoạt (tài sản bị chiếm đoạt ở đây là tiền đã bỏ ra mua xe) và thiệt hại (nếu có).
Thiệt hại của bị hại trong trường hợp này là toàn bộ chi phí đã bỏ ra để có được chiếc xe.
Trường hợp những người mua biết đây là xe không hợp pháp nhưng vẫn mua thì có thể bị xử lý về hành vi “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại điều 323 Bộ luật Hình sự, đồng thời những người này cũng không được bồi thường.
Chủ cửa hàng xe máy lớn ở TP.HCM mua 10.000 phiếu kiểm tra chất lượng, sau đó mua xe trộm cắp, xe gian về tân trang để bán, thu lợi hàng chục tỉ đồng.