Nâng tầm trọng tài quyền anh Việt Nam
Mục đích của buổi tập huấn là nhằm đào tạo và tuyển chọn lực lượng trọng tài làm nhiệm vụ tại các giải quyền anh chuyên nghiệp trong tương lai.
Tham gia buổi tập huấn có hơn 80 học viên là các trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên thuộc nhiều địa phương, tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc.
Các giảng viên đào tạo đều là thành viên thuộc tổ chức WBA Asia, có nhiều kinh nghiệm và uy tín. Trong đó ba giảng viên quốc tế bao gồm ông Silvestre Daz Abainza – thành viên hội đồng trọng tài WBA quốc tế, ông Nowel Guerero Haduca – giám định WBA Asia và trọng tài & giám sát GAB, ông Gregorio Dela Cruz Ortega – giám định WBA Asia và IBF.
Anh Trần Phước Thọ, trọng tài quốc gia của VBF đang công tác tại đơn vị Cần Thơ cho biết: "Khi tham gia lớp tập huấn này, tôi được trang bị sự hiểu biết về luật thi đấu của các giải khác ngoài IBA. Ngoài ra, tôi cũng có cơ hội để biết thêm về hệ thống chấm điểm và nhiều hệ thống khác vận hành khác", anh Thọ chia sẻ.
Anh Thọ cho rằng, do trước đây, các lớp tập huấn chỉ nằm ở mức bán chuyên, nên buổi đào tạo chuyên nghiệp này sẽ là cách để nâng tầm trọng tài và võ sĩ Việt Nam lên một tầm cao mới.
Theo ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - nhận định buổi tập huấn sẽ góp phần to lớn vào việc phát triển quyền anh Việt Nam. Đặc biệt là lực lượng trọng tài chuyên nghiệp có cơ hội vươn tầm thế giới.
Đồng quan điểm, trọng tài Bùi Thị Nhật Lệ - nữ trọng tài 1 sao AIBA – cho rằng để boxing có được sự phát triển toàn diện thì không thể thiếu lực lượng trọng tài. Họ là người câm cân nảy mực trong các trận đấu, được ví như xương sống của liên đoàn.
Với sự truyền đạt từ các giảng viên thuộc tổ chức WBA Asia, trọng tài Việt Nam sẽ được học tất cả quyết định liên quan đến trận đấu, cách điều khiển trọng tài đài, cách giám định và chấm điểm.
Nhiều giải đấu chuyên nghiệp sẽ được tổ chức trong tương lai
Ông Nguyễn Văn Hiến – tổng trọng tài giải hệ thống thi đấu quốc gia – cũng tham gia buổi tập huấn lần này để tăng cường thêm kiến thức về giải đấu chuyên nghiệp và sự kiện quốc tế.
"Buổi tập huấn này giúp cho học viên phân biệt được cách thi đấu, tập luyện, chấm điểm và điều hành trận đấu. Nó giống như một phát súng mới cho boxing Việt Nam đi theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn", ông Hiến nói.
Theo ông Hiến, hình thức và tính chất các giải chuyên nghiệp rất khác biệt so với những giải đấu thông thường. Ví dụ, số hiệp thi đấu sẽ dao động từ 8 đến 10 hoặc 12 hiệp. Cách tính điểm các đòn đấm cũng khác hoàn toàn so với giải nghiệp dư.
Dù vậy, lợi nhuận và lợi ích dành cho võ sĩ, trọng tài, giải đấu ở mảng chuyên nghiệp lại rất cao. Do đó, các giải đấu chuyên nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể sau buổi đào tạo.
"Nếu trước đây Việt Nam chỉ làm mảng nghiệp dư, thì việc thành lập ra mảng chuyên nghiệp như hiện tại sẽ đáp ứng yêu cầu thi đấu quốc tế. Cả hai mảng này sẽ cùng phát triển song song, hỗ trợ lẫn nhau.
Và để điều này thành hiện thực, việc đầu tiên là phải đào tạo đội ngũ trọng tài, HLV. Sau khi HLV nắm được luật chuyên nghiệp thì họ mới có thể về tập huấn cho võ sĩ", ông Hiến nói thêm.
Sau khi trải qua quá trình hoàn thiện cơ cấu nhân sự, Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam – ông Lưu Tú Bảo – sẽ phụ trách mảng quyền anh chuyên nghiệp trong tương lai.
Đây được xem là một bước tiến mới cho quyền anh Việt Nam với nhiều kế hoạch dài hạn và ngắn hạn ở cả hai lĩnh vực thành tích cao và chuyên nghiệp. Từ đó, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển quyền anh chuyên nghiệp một cách hệ thống, bài bản hơn.
Nhà vô địch quyền anh người Nam Phi Ronald Malindi đã qua đời sau khi bị bắn vào đầu; Tiền đạo Bukayo Saka không thể thi đấu cho tuyển Anh ở vòng loại Euro 2024... là những tin chính trong điểm tin sáng 10-10.