Nhiều năm qua, tuyến đường nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường tránh quốc lộ 1 qua TP Đồng Hới (Quảng Bình) như bỏ hoang vì nhà đầu tư BOT không cho đấu nối vào đường tránh.
Việc này đã ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cũng như ảnh hưởng đến đầu tư các dự án khác trên địa bàn. Nhưng các cơ quan liên quan tại Quảng Bình nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra lối gỡ.
Đường trăm tỉ bị chặn
Tuyến đường nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường tránh quốc lộ 1 qua thành phố Đồng Hới là dự án do Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới làm chủ đầu tư.
Mục tiêu của dự án là xây dựng tuyến đường chính tạo kết nối Đông - Tây của thành phố Đồng Hới, đóng góp vào việc phát triển các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch của Quảng Bình.
Tạo ra sự kết nối liên tục từ đông sang tây qua cầu Nhật Lệ 2, là đường huyết mạch nối khu trung tâm thành phố với khu du lịch Bảo Ninh. Cùng với đó, giúp phòng, chống lũ lụt và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực bán đảo Bảo Ninh và trung tâm thành phố Đồng Hới.
Chủ đầu tư dự án cho biết tuyến đường này có tổng mức đầu tư 165 tỉ đồng, thiết kế theo tiêu chuẩn tuyến đường phố chính đô thị, bề rộng nền đường 36m, có chiều dài hơn 1,4km.
Theo kế hoạch thì đến ngày 30-6-2023 tuyến này phải hoàn thành và thông tuyến. Tuy nhiên, điểm cuối của tuyến đường cắt vào tuyến đường tránh quốc lộ 1 qua thành phố Đồng Hới. Tuyến đường tránh do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư theo hợp đồng BOT.
Và chủ đầu tư BOT Trường Thịnh nhiều năm qua liên tục từ chối cho tuyến đường huyết mạch này đấu nối vào đường của mình.
Vì vậy, dù đã hoàn thành cơ bản phần mặt đường, nhưng tuyến đường trăm tỉ này như phải bỏ hoang.
Các cơ quan liên quan của tỉnh hơn hai năm qua đã tìm nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng nhà đầu tư vẫn "lắc đầu".
Vì sợ ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua trạm BOT
Theo ông Phạm Văn Năm - giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, năm 2020, Bộ Giao thông vận tải làm việc với tỉnh Quảng Bình và nhà đầu tư BOT để bàn phương án xử lý. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa có sự đồng thuận từ phía nhà đầu tư.
Tỉnh cũng tổ chức nhiều buổi làm việc với nhà đầu tư và các ngành, địa phương nhưng vẫn không thống nhất được phương án.
Giải thích việc không cho đấu nối, ông Võ Minh Hoài, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, cho rằng vị trí đề xuất đấu nối đường nhánh vào quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Đồng Hới là nút giao mới hình thành. Việc đấu nối gây phân lưu này chưa được quy định tại hợp đồng đã ký của chủ đầu tư và Bộ Giao thông vận tải.
Theo ông Hoài, việc đấu nối sẽ làm giảm lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí BOT Quán Hàu, giảm doanh thu ảnh hưởng đến hoàn vốn đầu tư. Nếu có điều chỉnh kéo dài thời gian hợp đồng cũng có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính của hợp đồng.
"Đấu nối mà không ảnh hưởng gì đến phân lưu, chúng tôi sẽ cho đấu nối, còn những đấu nối liên quan phân lưu, nếu đấu nối vào xe sẽ tập trung đi vào nhánh đó thì coi như trạm BOT đành bỏ, nguồn thu không đáp ứng. Nếu địa phương thấy bức xúc thì có những văn bản để gửi đến Chính phủ và Chính phủ sẽ có những tác động và các chính sách điều chỉnh", ông Hoài nói.
Cũng theo ông Năm, tháng 11 vừa qua, đoàn công tác các thành viên Chính phủ làm việc với tỉnh Quảng Bình, thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì làm việc với nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án xử lý, sớm giải quyết các vướng mắc về đấu nối vào các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Hai dự án đường trăm tỉ vướng đường BOT
Ngoài dự án đường nói trên, Quảng Bình còn có thêm một dự án đường cũng đang bị chặn bởi đường BOT. Đó là tuyến đường có tổng vốn đầu tư 210 tỉ đồng nối từ đường tránh lũ quốc lộ 1 đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy. Và tuyến này cũng đang bị chặn bởi đường BOT của Tập đoàn Trường Thịnh.
BOT là hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm dự án để kinh doanh thu hồi vốn có lợi nhuận rồi giao lại cho phía Nhà nước.