Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo Chính phủ về công tác dự trữ xăng dầu, liên quan đến kiến nghị của Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu từ Bộ Công Thương sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025.
Bộ này khẳng định: "Việc Chính phủ phân công cho Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công Thương".
Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương được Chính phủ phân công quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Hơn nữa, xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, dễ cháy nổ, độc hại nên bảo quản, vận chuyển, mua bán, nhập, xuất phải tuân theo những tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ. Các bể chứa xăng dầu, hệ thống đường ống và phương tiện vận tải phải là các loại chuyên dụng, đặc thù.
"Do đó, cơ quan quản lý phải là cơ quan có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ và có chức năng quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực", Bộ Tài chính nêu.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ chuyển nhiệm vụ quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia cho Bộ Tài chính với lý do để thống nhất đầu mối quản lý.
Theo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là hàng thiết yếu nên Bộ Công Thương đề xuất chuyển mặt hàng này sang Bộ Tài chính quản lý dự trữ trong giai đoạn 2024-2025.
Đây không phải là lần đầu 2 bộ này có bất đồng trong quản lý xăng dầu. Bộ Tài chính lẫn Bộ Công Thương đều muốn "nhường" bộ còn lại quản lý xăng dầu.
Hiện Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.