Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại TP.HCM cho rằng dự thảo này còn nhiều bất cập. Bộ Y tế, cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh cần "ngồi lại" thống nhất. Nếu không sẽ ảnh hưởng và gây khó khăn trước tiên cho người bệnh và nhân viên y tế. Bộ Y tế nói gì về dự thảo này?
Cần "ba bên" ngồi lại
"Bệnh nhân sẽ thắc mắc tại sao bệnh viện không có đủ thuốc BHYT và chỉ định tự đi mua ngoài? Việc bệnh nhân mua thuốc bên ngoài cũng có thể gặp hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng và nguồn gốc. Không những thế, giá thuốc ở ngoài giá cao hơn giá thuốc cùng loại trong bệnh viện. Khi đó, BHXH có chấp nhận và thanh toán không?", vị này phân tích và đặt vấn đề.
Theo ông, thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng tại sao cứ tổ chức đấu thầu mà không đàm phán giá, đưa ra giá khung, danh mục thuốc chất lượng. Thực tế các nhà thuốc của bệnh viện và bên ngoài luôn đầy đủ thuốc, nhưng khoa dược của bệnh viện lại thiếu. Bất cập này nằm ở cách thức, hướng dẫn đấu thầu còn nhiều bất cập, Chính phủ và các bộ liên quan cần xem xét lại luật đấu thầu.
"Vướng mắc thiếu thuốc tại các bệnh viện hiện nay là do luật đấu thầu, cách thức đấu thầu, chỉ đạo mua sắm hiện còn nhiều bất cập. Càng đấu thầu càng vướng và cứ thế tiếp tục thiếu thuốc", vị này thẳng thắn. Về giải pháp, theo ông tốt nhất là làm sao để bệnh viện có thể đủ các loại thuốc trong danh mục BHYT cung cấp cho người dân.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cũng cho rằng dự thảo thông tư này của Bộ Y tế đã giúp người bệnh khi tham gia BHYT sẽ được hưởng đầy đủ thuốc, vật tư nằm trong danh mục BHYT chi trả, mà không phải tự bỏ tiền ra mua như trước đây (trong trường hợp bệnh viện không cung ứng được thuốc, vật tư y tế).
Tuy nhiên bà cho rằng điều này "không được ổn" vì bệnh nhân đang nằm viện nhưng phải tự ứng tiền mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, sau đó mới làm thủ tục gửi cơ quan BHXH thanh toán lại. "Việc này gây khó khăn cho bệnh nhân không có tiền mua hoặc không mua được thuốc, vật tư y tế theo chỉ định bệnh viện. Cũng có thể người bệnh mua trúng thuốc, vật tư y tế kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng điều trị bệnh nhân", bà Hằng cảnh báo.
Ngoài ra, theo bà Hằng, dự thảo việc hướng dẫn bệnh nhân ra mua tại nhà thuốc bệnh viện cũng không ổn. Việc cung ứng thuốc, vật tư y tế vẫn là trách nhiệm của bệnh viện, không được đẩy trách nhiệm này cho bệnh nhân. Nếu vì một số nguyên nhân khách quan dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế, bệnh viện có thể liên hệ các bệnh viện khác xin nhượng theo giá trúng thầu để cung ứng cho người bệnh BHYT.
Bộ Y tế nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vũ Nữ Anh - chuyên viên Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết việc áp dụng này chỉ thực hiện khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi điều trị người bệnh không thể cung ứng cho người bệnh được vì những lý do khách quan.
Dự thảo thông tư hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào người dân mua thuốc ngoài được thanh toán BHYT và những nơi sẽ có thể mua thuốc ngoài để thanh toán BHYT, các đơn vị cung ứng có đủ điều kiện gì để được thanh toán BHYT.
"Ban đầu, chúng tôi dự kiến quy định người bệnh có thể trực tiếp mua thuốc tại nhà thuốc của bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào có ký hợp đồng BHYT mà không cần thiết phải là nhà thuốc bệnh viện nơi người dân đến khám bệnh.
Tuy nhiên, sau khi tra cứu lại các văn bản liên quan thì thấy các nhà thuốc bệnh viện đã được phép bán các loại thuốc của tất cả các đơn vị, kể cả đơn vị không trúng thầu tại bệnh viện đó. Vì vậy, dự thảo thông tư quy định bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện nơi bệnh nhân đang điều trị", bà Anh phân tích.
Ngoài ra, theo bà Anh, quy định mua thuốc, vật tư y tế tại các đơn vị trúng thầu, nhà thuốc bệnh viện là nhằm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế và có căn cứ thanh toán BHYT trong trường hợp bệnh viện thiếu thuốc.
Bà Anh cũng thông tin thêm đối với những đơn thuốc, vật tư y tế mua trước thời điểm thông tư có hiệu lực mà có đầy đủ hồ sơ, người bệnh vẫn có thể đến cơ quan BHXH thực hiện thủ tục thanh toán trực tiếp. Thời gian để người bệnh có thể nhận được thanh toán từ Quỹ BHYT khi nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp chậm nhất 40 ngày.
Tuy vậy, việc thanh toán trực tiếp này chỉ áp dụng trong những điều kiện nhất định, không áp dụng rộng rãi. Cơ sở y tế có trách nhiệm phải đảm bảo thuốc, vật tư y tế cho người bệnh.
Về những lo ngại bị "chênh" giá khi mua thuốc và vật tư y tế, bà Anh nói "ban soạn thảo đã tính đến" và nói sẽ lấy ý kiến về việc mức giá chênh lệch này sẽ do bệnh viện, BHYT chi trả hay người bệnh tự chi trả. Đồng thời cam kết sẽ có giải pháp cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên.
"Đây là dự thảo đầu tiên, để xây dựng và hoàn thiện thông tư, ban soạn thảo đã gửi xin ý kiến rộng rãi, đồng thời sẽ có nhiều cuộc họp tiếp tục bàn thảo thêm về những nội dung quy định trong thông tư nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh", bà Anh khẳng định.
Không phải là giải pháp lâu dài
Một chuyên gia trong lĩnh vực BHYT cho rằng thị trường thuốc, vật tư y tế ngoài yếu tố giá thì còn yêu cầu kiểm soát về chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo quản. Bệnh nhân tự mua thuốc, vật tư y tế sẽ phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến chất lượng.
"Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy không phải bệnh nhân nào cũng có thể tự đi mua thuốc hay vật tư y tế. Có những bệnh nhân khỏe mạnh, nhưng cũng có những bệnh nhân nặng, khó khăn trong việc đi lại, không có người thân ở cạnh thường xuyên... vậy làm sao để họ tự đi mua khi được yêu cầu?
Ngoài ra, hiện nay BHYT đang "bảo lãnh" cho phí điều trị, người bệnh thanh toán các chi phí sau khi kết thúc điều trị và được BHYT thanh toán theo quy định. Vậy nếu người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để ứng trước những chi phí này thì phải làm sao? Họ có thể đối diện với việc gián đoạn điều trị, kéo dài thời gian điều trị", vị này nhận định.
Chuyên gia này cho rằng đây là phương án giải quyết trong tình huống cấp bách nhưng không phải giải pháp mang tính lâu dài. Cần giải quyết càng sớm càng tốt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh càng sớm càng tốt.
Người bệnh đã khổ, đừng bắt khổ thêm
Trước ca phẫu thuật khối u cho mẹ vào tháng 11-2023, chị N.T.L. (Phú Thọ) được bác sĩ liệt kê gần 10 danh mục từ băng gạc, chỉ khâu, kim luồn... và hướng dẫn người nhà tự mua do bệnh viện chưa đấu thầu được. "Bác sĩ nói có thể mua tại nhà thuốc bệnh viện hoặc ra ngoài cổng bệnh viện mua. Tất cả tôi mua hết hơn 2 triệu đồng", chị L. nói.
Chị L. nói không hy vọng gì về việc sẽ được "hoàn tiền" mua các loại thuốc, vật tư y tế trước đó. "Tôi không còn giữ lại hóa đơn, cũng không có thời gian để xuống trung tâm nộp hồ sơ theo quy định như vậy. Tốt nhất, bệnh viện đừng bắt bệnh nhân phải đi mua. Nếu thiếu, bệnh viện phải bằng cách nào đó hỗ trợ, có thể ứng mua giúp người bệnh, BHYT chi trả trực tiếp cho bệnh viện. Người bệnh bị bệnh đã khổ, đừng đổ thêm trách nhiệm cho người bệnh", chị L. thẳng thắn nói.
TTCT - BHYT chi trả cho chi phí tầm soát một số bệnh là chính sách tiến bộ, xét dưới quan điểm phòng ngừa thì hơn chữa trị, nhưng giải pháp thực thi vẫn là một khúc mắc lớn.