Trong một tiết học hoạt động trải nghiệm của tôi với các em lớp 6 về sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện thú vị xung quanh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
1. Các con mở lòng chia sẻ về câu chuyện gia đình mình, về lời nhờ vả của cha mẹ kéo con cái vào việc nhà, về những so sánh không bao giờ dứt với "con nhà người ta", về những buổi bán buôn ế hàng đôi khi khiến phụ huynh cáu giận vô cớ với trẻ…
Con trẻ còn kể về vô số lần cha mẹ không cho mình không gian riêng tư để xem trọn vẹn một tập phim, đọc một cuốn sách, gặp gỡ bạn bè.
Ở từng lát cắt nhỏ của câu chuyện được kể, tôi luôn chọn đứng về phía phụ huynh để phân giải, biện hộ và tìm cách cởi bỏ nút thắt trong lòng bọn trẻ, để con hiểu hơn tấm lòng của bậc sinh thành.
Áp lực mưu sinh, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng khiến phụ huynh dễ cáu gắt, bực tức và nóng giận khiến con lầm tưởng cha mẹ chẳng thương yêu.
Kỳ vọng về sự lớn khôn, nên người của trẻ đôi khi buộc cha mẹ phải rèn con tính tự lập, thậm chí là lắm lúc còn so sánh với bạn bè để con lấy đó làm tấm gương phấn đấu…
Và tôi nhận ra khoảng cách thế hệ đôi khi do chính người lớn chúng ta ngăn đê đắp đập khiến trẻ thu mình lại, ít sẻ chia, không tâm sự, hao hụt dần sự thấu hiểu lẫn cảm thông.
Hỏi bọn trẻ có bao giờ quan tâm ánh mắt vương buồn, nụ cười gượng gạo và vẻ mặt mệt mỏi, muộn phiền của cha mẹ chưa, các con bảo rất nhiều lần hỏi han nhưng đáp lại là thái độ thờ ơ của người lớn. Và câu trả lời mà các con nghe nhiều nhất trong tình huống ấy là: "Không phải việc của con!".
2. Tôi phân tích với các con về cách phụ huynh bảo vệ tâm hồn trẻ trong sáng thuần khiết, bớt nhuốm màu buồn phiền bởi câu chuyện của người lớn… Nhưng càng ngẫm nghĩ, tôi càng chẳng nhất trí với cách phụ huynh trả lời trẻ mỗi khi con mon men hỏi han, quan tâm tới niềm vui nỗi buồn của người lớn!
"Không phải việc của con!" - Câu nói tưởng nhẹ tênh để kết thúc câu chuyện với trẻ khiến nhiều bạn nhỏ đeo mang nỗi lo lắng, bất an lớn hơn. Con chẳng thể giải quyết giúp cha mẹ việc lớn trong nhà ngoài ngõ, nhưng con muốn được lắng nghe, muốn góp ý kiến vào câu chuyện và muốn tham gia nhiều hơn vào cuộc sống thường nhật nhiều lo toan.
"Không phải việc của con!" - Lời khẳng định chắc nịch ấy sẽ đẩy bọn trẻ ra xa cha mẹ một cách âm thầm mà dữ dội. Việc thường xuyên bị gạt bên lề những câu chuyện trong gia đình sẽ dần dà biến con thành đứa trẻ vô tình với vất vả của mẹ cha, vô tâm với gia đình.
"Không phải việc của con!" - Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng chính mình đang vạch ra ranh giới bất khả xâm phạm giữa hai thế hệ? Người lớn chẳng mở lòng chuyện trò, thật khó để trẻ trải lòng chia sẻ câu chuyện của mình xung quanh việc học, việc chơi, việc bè bạn với vô số áp lực ẩn mình đè nặng trái tim con trẻ!
Cha mẹ luôn mong muốn bảo vệ trẻ bằng tình yêu thương ngút ngàn, luôn lo lắng bất an bởi những tác động đa chiều của thời cuộc với sự lấn lướt của thế giới ảo, luôn ý thức được giá trị của việc làm bạn cùng con trên mỗi bước đường trưởng thành. Nhưng không ít người trong chúng ta dường như đang chệch hướng sai đường trên muôn dặm đường nuôi con, chăm con, dạy con…
Giá như mỗi người quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc, nhận thức và hành vi của trẻ… Giá như phụ huynh thật sự hóa thân vào vai trò làm bạn cùng con để lắng nghe, chia sẻ và định hướng…
Giá như cha mẹ đừng khép vội cánh cửa lòng mỗi khi trẻ bày tỏ sự quan tâm bằng câu nói bâng quơ: "Không phải việc của con!"…
Con vào cái tuổi ẩm ương, dễ "nổi loạn", không ít gia đình cũng dễ bị đảo lộn vì nhiều lúc cha mẹ không biết phải xử trí với con ra sao. Thế là cha mẹ phải đi học, những khóa học dành cho phụ huynh có con trong tuổi "nổi loạn".