Ngày 17/12, tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, đã có đến 70% môi giới bất động sản chuyển nghề hoặc rời bỏ ngành trong thời gian gần đây.
Trước đó, số lượng môi giới bất động sản hoạt động trong lĩnh vực này đạt khoảng 300.000 người. Tuy nhiên, do tác động của biến động thị trường, hiện chỉ còn khoảng 100.000 người tiếp tục hoạt động.
Nghề đòi hỏi sự chuyên nghiệp
Theo ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong số ít môi giới còn hoạt động, họ vẫn phải đối mặt với thách thức từ sự cạnh tranh khốc liệt của ngành bất động sản.
Chính sự cạnh tranh khốc liệt cùng nguồn cung thị trường khan hiếm làm cho giao dịch bất động sản trở nên phức tạp. Tuy nhiên, giữa bối cảnh đó càng đòi hỏi người môi giới nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Thừa nhận về những khó khăn của thị trường, của môi giới bất động sản song ông Nguyễn Quốc Huy, đại diện Gooroo Group, cho rằng đây là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của thị trường, cơ hội để cá nhân lẫn doanh nghiệp nâng cao chất lượng bản thân và sản phẩm dịch vụ.
Ông Huy đặc biệt nhấn mạnh đến một số yếu tố quan trọng gồm: chứng chỉ hành nghề, tư duy “chân tâm trong sáng” mang lại lợi ích cho các bên, tư duy nghề nghiệp với sự tập trung vào thực hành, kỹ năng.
Ngoài ra, ông còn đề cập đến sự cần thiết của kiến thức chuyên môn, lẫn kiến thức bổ trợ như: tài chính, pháp lý, quản trị, đầu tư tài chính, marketing… để có thể tiếp cận, tư vấn cho khách hàng.
Theo vị đại điện Gooroo Group, nghề môi giới bất động sản là nghề đòi hỏi sự chuyên nghiệp và đẳng cấp. Người môi giới cần là những người đa nhiệm, chứ không phải chỉ là người đơn nhiệm, với khả năng giỏi ở nhiều lĩnh vực thay vì chỉ tập trung vào một sản phẩm cụ thể của một dự án.
“Không phải là bán được bao nhiêu căn mà là phục vụ được bao nhiêu khách hàng và bao nhiêu người quay lại trở lại mua hàng của bạn”, ông Nguyễn Quốc Huy bày tỏ, đồng thời cho rằng các doanh nghiệp, sàn giao dịch cần định vị lại nguồn lực cá nhân của môi giới hiện tại.
Họ phải có sự khác biệt, đặc biệt để “chiều lòng” được khách hàng, cũng như thích nghi được thị trường bất động sản Việt Nam đầy biến động.
Đặc biệt giữa bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ông Huy lưu ý đến tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ. Điều này sẽ giúp môi giới bất động sản bán sản phẩm tại nhiều thị trường khác nhau, cho cả khách hàng nước ngoài, do đó, nắm vững ngoại ngữ rất quan trọng.
“Nếu các môi giới không nâng cấp, tự làm mới bản thân, họ có thể tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị đào thải”, ông Huy cảnh báo.
Nâng cao năng lực sẵn sàng cho thời điểm thị trường phục hồi
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS đánh giá những môi giới tiếp tục hoạt động là những người có đam mê nghề nghiệp và quyết tâm duy trì nghề tới cùng.
Một số môi giới rời bỏ thị trường cũng là cơ chế sàng lọc tự nhiên, tạo ra sự công bằng cho thị trường với người môi giới có đầy đủ kỹ năng lẫn kinh nghiệm.
Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, ngành bất động sản đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố tác động đến tình hình kinh doanh.
Trong thời gian sắp tới, đặc biệt là năm 2024, dự kiến thị trường bất động sản sẽ mở ra nhiều cơ hội mới khi các vấn đề cơ bản được giải quyết.
Quy hoạch đang được cải thiện đáng kể, với 31/63 tỉnh, thành được phê duyệt và dự kiến nhiều địa phương sẽ được duyệt quy hoạch trong khoảng quý 1 đến giữa quý 2/2024.
Khi đó, thị trường chỉ còn phải đối mặt với các thách thức như đấu giá đất, xác định giá đất, do Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy phát triển cơ bản kinh tế, đồng thời hỗ trợ kết nối giao thông để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và bất động sản.
Ngoài ra, ông Đính cho biết sự xuất hiện của các luật mới vừa được Quốc hội thông qua sẽ cung cấp cơ sở để hoạt động môi giới trở nên chặt chẽ hơn, đảm bảo năng lực và chứng chỉ hành nghề.
Hơn nữa, trước khi luật được triển khai, đây cũng là cơ hội tốt để môi giới bất động sản có thêm thời gian để nâng cao năng lực và kiến thức của mình.
Từ góc độ pháp lý, Luật sư Trần Minh Dũng, Phó ban Pháp chế VARS thông tin, hiện nay luật lệ đã phân chia rõ ràng về kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Ở giai đoạn hiện tại, mặc dù thị trường bất động sản đang chững lại, nhưng cũng mang theo cơ hội, từ đó biến “nguy thành cơ”.
Ông Dũng nhìn nhận rằng, giai đoạn này là lúc để cá nhân và doanh nghiệp có thể tập trung vào việc cải thiện, nâng cao và bồi dưỡng kiến thức cũng như kỹ năng, sẵn sàng cho thời điểm thị trường phục hồi.
Đồng thời, ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc định danh và chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực môi giới bất động sản.
“Việc này không chỉ tạo ra sự chuyên nghiệp và độ tin cậy trong ngành mà còn giúp môi giới tạo ra một dấu ấn cá nhân, nâng cao uy tín và thu hút khách hàng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Luật sư Trần Minh Dũng khuyến khích tất cả mọi người tham gia vào thị trường bất động sản cần nhìn nhận cơ hội trong thách thức và xác định rằng việc chuẩn bị và đầu tư vào bản thân sẽ đặt họ trong tình thế thuận lợi khi thị trường phục hồi.
Trong khi đó, ông Võ Nhật Thiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cen Miền Trung lại chia sẻ một số quan điểm về việc cần đặt khách hàng lên hàng đầu, tập trung hiểu rõ nhu cầu cùng mong muốn của họ.
Ông cho rằng nếu đặt khách hàng tại vị trí trung tâm bằng sự tâm huyết, họ sẽ tự đến mua sản phẩm. Điều quan trọng, không nên cố gắng bán những thứ khách hàng không cần, thay vào đó, tập trung cung cấp giải pháp lẫn sản phẩm phù hợp nhu cầu thực sự của họ.
Mặt khác, đối với hoạt động hỗ trợ khách hàng tái đầu tư, ông Võ Nhật Thiên lưu ý phải tiếp cận chân thành, hữu ích.
"Chính sự giúp đỡ khách hàng trong quá trình tái đầu tư là cách tốt để xây dựng mối quan hệ lâu dài, đồng thời tăng cường uy tín của công ty. Để bất động sản vận hành hiệu quả, cần cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng, không chỉ bán sản phẩm mà còn cung cấp các dịch vụ liên quan nhằm đem lại sự hài lòng, tiện ích tối đa cho khách hàng”, ông Thiên chia sẻ.