Theo Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), các tin nhắn mã hóa này khá kỳ lạ, lặp đi lặp lại.
Sau khi điều tra cặn kẽ, NASA phát hiện tín hiệu trên có thể đến từ một nguồn quen thuộc đang ở xa Trái đất nhất. Đó là con tàu vũ trụ Voyager 1, theo trang tin The Debrief.
Theo một cập nhật xuất hiện trong tuần này trên blog The Sun Spot của NASA, có khả năng một trong ba máy tính trên tàu thăm dò Voyager 1 đã bị sự cố.
Voyager 1 thực hiện sứ mệnh nghiên cứu bên ngoài Hệ Mặt trời và không gian giữa các vì sao kể từ cuối năm 1977. Hiện tại tàu vẫn liên lạc từ vị trí của nó cách Trái đất 24 tỉ km thông qua Mạng không gian sâu của NASA.
Tuy nhiên, có vẻ như hệ thống dữ liệu chuyến bay (FDS) của tàu đang bị sự cố, làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp với hệ thống viễn thông của tàu (TMU), khiến nó không thể chuyển tiếp bất kỳ dữ liệu khoa học hoặc kỹ thuật nào về Trái đất.
FDS của Voyager 1 được trang bị chủ yếu để thu thập thông tin kỹ thuật trên tàu và dữ liệu từ các thiết bị khoa học của tàu. Theo định kỳ, thông tin này được kết hợp thành các gói dữ liệu mà TMU của tàu gửi lại cho NASA.
Được tạo bằng mã nhị phân, các thông báo này thường xuất hiện theo chuỗi tiêu chuẩn gồm 1 và 0.
Tuy nhiên, các gói dữ liệu mà Voyager 1 đang gửi gần đây có vẻ lặp đi lặp lại, như thể một số chức năng của TMU đã bị “kẹt”. Sự cố dường như bắt nguồn từ bên trong FDS, chứ không phải từ chính TMU.
Ông Miles Hatfield từ Trung tâm bay không gian Goddard của NASA cho biết Voyager 1 vẫn nhận được thông tin mà các kỹ sư NASA đang truyền tới nó, và tàu thăm dò dường như vẫn đang cố gắng thực hiện các mệnh lệnh.
Cuối tuần trước, các kỹ sư thuộc nhóm phụ trách tàu Voyager 1 đã cố gắng khởi động lại FDS từ khoảng cách 24 tỉ km nhưng họ chưa thành công.
TTO - Một phân tích mới về dữ liệu của kính viễn vọng Hubble đã phát hiện một luồng ánh sáng ma quái bao quanh Hệ Mặt trời. Các nhà thiên văn học chưa thể giải thích được hiện tượng này.