Theo quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 29 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM vào diện đình chỉ giao dịch từ 15-12 vừa qua.
Trong các mã này, có những cái tên "nổi như cồn" trong giới kinh doanh một thời như GTT của Công ty cổ phần Thuận Thảo, HVG của Thủy sản Hùng Vương.
Nữ đại gia trượt dốc, cổ phiếu rớt thảm còn 300 đồng
GTT là mã chứng khoán của Công ty cổ phần Thuận Thảo. Doanh nghiệp này của bà Võ Thị Thanh - nữ đại gia nổi tiếng một thời với danh xưng "Bông hồng vàng" đất Phú Yên. Đây cũng từng là thương hiệu vận tải rất lớn ở khu vực phía Nam, sau đó lấn sân sang mảng du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản...
Thuận Thảo kinh doanh "lình xình" từ giai đoạn 2011-2013, khi lãi sau thuế chỉ vọn vẹn mấy trăm triệu đến 1 tỉ đồng. Chuỗi thời gian thua lỗ chính thức bắt đầu từ 2014 khi công ty này báo lợi nhuận âm 186 tỉ đồng.
Từ 2016 - 2019, doanh nghiệp của nữ đại gia đều đặn báo lỗ hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Mức lỗ đỉnh điểm rơi vào năm 2016 khi lợi nhuận âm 298 tỉ đồng.
Dữ liệu: BCTC DN | |
---|---|
Năm 2009 | 20.36 |
Năm 2010 | 48.99 |
Năm 2011 | 1.1 |
Năm 2012 | 1.1 |
Năm 2013 | 0.7 |
Năm 2014 | -186 |
Năm 2015 | -121 |
Năm 2016 | -298 |
Năm 2017 | -159 |
Năm 2018 | -189 |
Năm 2019 | -165 |
9T2020 | -86 |
Những thông tin cuối cùng về kết quả kinh doanh của Thuận Thảo dừng lại ở quý 3-2020. Theo HNX, cổ phiếu GTT bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính năm 2020, 2021, 2022.
Báo cáo tài chính quý 3-2020 ghi nhận khoản lỗ lũy kế của Thuận Thảo vượt 1.500 tỉ đồng cùng khoản nợ phải trả gần 1.750 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.075 tỉ đồng.
Đi cùng bức tranh kinh doanh, cổ phiếu của doanh nghiệp cũng rớt thảm hại. Từng niêm yết trên HoSE với mức giá hàng chục ngàn đồng mỗi cổ phiếu, đến thời điểm bị đình chỉ trên UPCoM còn 300 đồng.
Được biết, công ty nữ đại gia một thời đất Phú Yên bắt đầu lao dốc khi tăng vốn liên tục và lao vào các dự án bất động sản cuối thập kỷ trước.
Từ "vua cá tra" doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng đến cái kết khó thể buồn hơn
Cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương cùng nằm diện duy trì đình chỉ giao dịch trong đợt này.
Về lịch sử niêm yết, năm 2009, HVG lên sàn TP.HCM. Đến tháng 8-2020, HVG bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE và chuyển sang UpCOM.
Do nhiều năm liên tiếp không công bố báo cáo tài chính kiểm toán, HVG chính thức phải dừng cuộc chơi niêm yết. Trước đó thị giá về còn 1.400 đồng.
Chủ tịch của HVG là ông Dương Công Minh - doanh nhân một thời nổi tiếng với biệt danh "Vua cá tra" cùng slogan nổi tiếng "Think of Fish, eat panga!" (Nghĩ đến cá, hãy ăn cá tra).
Trước khi "sa cơ", HVG từng là doanh nghiệp rất lớn trong lĩnh vực thủy sản với lợi nhuận đều đặn vài trăm tỉ mỗi năm, kéo dài từ 2007 đến 2015.
HVG bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bất ổn khi đạt đỉnh doanh thu năm 2016 với 17.890 tỉ đồng nhưng lãi vỏn vẹn 9,7 tỉ đồng. Cũng từ năm này, "vua cá tra" đánh dấu mốc hết thời lãi trăm tỉ đồng.
Dữ liệu: BCTC DN | |
---|---|
Năm 2009 | 294 |
Năm 2010 | 250 |
Năm 2011 | 485 |
Năm 2012 | 285 |
Năm 2013 | 296 |
Năm 2014 | 424 |
Năm 2015 | 141 |
Năm 2016 | 9.7 |
Năm 2017 | -705 |
Năm 2018 | 16 |
Năm 2019 | -1123 |
Sang đến 2017, HVG còn báo lỗ hơn 700 tỉ đồng, trong khi doanh thu chỉ giảm 13% so với năm ngoái, về mức 15.500 tỉ đồng. Tới 2019, doanh thu HVG "tụt dốc" còn hơn 4.100 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 1.123 tỉ đồng.
Nhìn vào bức tranh quý này, vấn đề lớn của HVG là kinh doanh dưới giá vốn, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính tăng mạnh, ghi lỗ từ phần lợi nhuận công ty liên kết, liên doanh…
Mấy năm trước, hiều hứa hẹn về bức tranh tươi sáng hơn khi công ty này tuyên bố bắt tay cùng Thaco. Nhưng đến giữa 2021, khi Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trân Oanh và chủ tịch HĐTV là ông Trần Bá Dương bán sạch hàng triệu cổ phiếu HVG thì dường như công cuộc giải cứu "vua cá tra" không có được cái kết như mong đợi.
Đợt này, một loạt cổ phiếu "họ" Sông Đà như S27, S96, SD1, SDB, SDV, STL… cũng nằm trong diện bị đình chỉ giao dịch từ 15-12.
Theo HNX, tính đến ngày 15-12, trên UPCoM có 44 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch.
Số liệu WiGroup cung cấp cho Tuổi Trẻ Online đến ngày 15-12, cả thị trường có hơn 270/1.585 doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin theo quy định.
Một điểm đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp nằm trong diện chậm công bố thông tin đều có kết quả kinh doanh liên tục âm và vay nợ rất cao.