Hồi tuần trước, Viện Vật lý địa cầu cho biết một trận động đất có độ lớn 2,9 độ Richter đã xảy ra ở khu vực H.Kon Plông, tỉnh Kon Tum tại vị trí có tọa độ 14,749 độ vĩ bắc, 108,347 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Dù chưa gây thiệt hại về người nhưng những trận động đất với tần suất dày đặc khiến người dân địa phương vô cùng hoang mang, lo lắng.
Đảo lộn cuộc sống
Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi đến xã Đăk Tăng, nơi người dân cảm nhận rõ nhất những rung chấn từ lòng đất ở H.Kon Plông. Buổi trưa, làng Đăk Tăng (xã Đăk Tăng) vắng hoe, chỉ vài nhà buôn bán tạp hóa còn mở cửa. Ông A Hương (48 tuổi, ở làng Đăk Tăng) uể oải xếp gọn hàng hóa nằm lộn xộn trên sạp. Ông liên tục thở dài mỗi khi kể về nỗi khổ của bà con sống trong vùng động đất gần lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum.
Theo ông, nhiều năm về trước, dân làng sinh sống gần khu vực sông Đăk Snghé. Từ khi thủy điện Thượng Kon Tum được xây dựng, cuộc sống của người dân chịu không ít xáo trộn. Tất cả các gia đình được đưa đến khu tái định cư nằm chênh vênh trên một mỏm đồi lở lói từ năm 2016 để nhường đất cho thủy điện và đặt tên làng mới là Đăk Tăng. Năm năm sau đó, khi thủy điện hoàn thành và đi vào hoạt động cũng là lúc liên tục xuất hiện động đất.
Ông A Hương còn nhớ như in trận rung chuyển đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 3.2021, cũng là thời điểm thủy điện Thượng Kon Tum đang tiến hành tích nước. Khi đó, ông và dân làng lần đầu nghe tiếng động răng rắc, ùm ùm từ lòng đất và mặt đất cũng rung lên nhưng chẳng ai biết tại sao. Mãi đến tối, khi xem bản tin thời sự trên đài truyền hình, dân làng mới biết là động đất xảy ra ngay dưới chân mình.
Ở nơi mà có ngày xảy ra 14 trận động đất thì chẳng ai yên tâm được… Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền tìm ra nguyên nhân động đất, có hướng khắc phục hoặc di dời đến nơi ở khác để bà con yên tâm sản xuất.
"Thời gian đầu, động đất chỉ ở mức độ nhẹ, những trận động đất chỉ diễn ra trong giây lát nên chúng tôi không mấy để tâm. Càng về sau động đất càng nhiều, có ngày đến hàng chục trận kèm theo những tiếng nổ lớn trong lòng đất, dân làng càng sợ hơn", ông Hương nói.
Nhắc lại trận động đất lớn nhất từ trước đến nay được ghi nhận tại đây, ông Hương không khỏi rùng mình. Một buổi chiều cuối tháng 8.2022, khi đang làm việc trong vườn, ông nghe tiếng nổ phát ra từ lòng đất, kèm theo mặt đất chao đảo. Ở khu vườn trống, không có chỗ ẩn nấp nên ông chỉ biết nằm rạp người xuống đất để tránh bị thương. Khi mọi thứ bình lặng trở lại, ông ngồi nghỉ một lúc rồi đi quanh làng xem có nhà ai bị thiệt hại gì không. Về đến nhà mình, ông Hương thấy hàng hóa, đồ dùng, dụng cụ… vương vãi khắp nơi. "Động đất đi qua, người tôi lửng lơ, buồn nôn như người say xe. Tối đến, khi xem tin tức, tôi mới biết trận động đất có độ lớn 4,7 độ Richter thì càng lo sợ hơn", ông nhớ lại.
Muốn đi, mà biết đi đâu ?
Ông A Hương cho hay nếu bán được đất, nhà cửa ở làng Đăk Tăng thì gia đình ông đã bán từ lâu để chuyển đi nơi khác sinh sống. "Ở nơi mà có ngày xảy ra 14 trận động đất thì chẳng ai yên tâm được. Khổ nỗi, ở nơi xó núi thế này thì ai thèm mua nhà cửa, đất đai. Không có tiền, không có điều kiện chuyển đi nơi khác nên phải ở lại chứ biết làm sao. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền tìm ra nguyên nhân động đất, có hướng khắc phục hoặc di dời đến nơi ở khác để bà con yên tâm sản xuất", ông Hương nói.
Làng Đăk Tăng có hơn 100 nóc nhà, toàn bộ đều là nhà tái định cư. Người dân trong làng lo sợ nhất là địa hình nơi họ đang sinh sống nằm trơ trọi trên sườn đồi, ở phía sau các dãy nhà đều là vực sâu. Sau những rung chấn từ lòng đất, nhiều căn nhà đã có dấu hiệu sụt lún móng, nứt tường.
Như các gia đình khác trong làng, nhà chị Y Thẻ (26 tuổi, ở làng Đăk Tăng) cũng đã trải qua những phút giây lo âu, sợ hãi khi động đất liên tục xảy ra. Theo chị Y Thẻ, đang bình thường mà nghe nhà cửa rung lắc, mái tôn kêu cót két, đồ vật rơi vỡ là biết động đất xuất hiện nhưng mọi người không biết đối phó như thế nào.
"Có những đêm mọi người đang ngủ thì nhà cửa rung lên. Vợ chồng mình nghe động đất thì tỉnh dậy ôm con vào lòng, từ đó cho đến sáng chẳng dám ngủ nữa. Cứ sợ mình đang ngủ mà động đất, chưa kịp chạy thì nhà đã sập. Thời gian đầu chỉ vài trận trong tháng, nhưng về sau có ngày cả chục lần nên mọi người càng thêm lo lắng", chị Y Thẻ tâm sự.
Chị Y Thẻ có hai người con, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ vừa lên 3. Có những hôm vợ chồng chị Thẻ lên nương rẫy, động đất xảy ra khiến chị rất bất an vì các con đang ở trường. Động đất qua đi, chị Thẻ liền gọi về cho cô giáo hỏi thăm tình hình, biết tin trường học và các con bình an chị mới yên lòng.
"Mỗi khi động đất xảy ra, vợ chồng mình rất sợ bị sạt lở, hư hỏng nhà cửa và ảnh hưởng đến tính mạng. Mặc dù lo sợ nhưng họ hàng của mình ở đây, bản thân cũng sống ở đây từ nhỏ, bây giờ muốn đi nhưng mà biết đi đâu?", chị Y Thẻ nói.
Cách xã Đăk Tăng hơn 30 km, người dân làng Xô Luông (xã Đăk Nên, H.Kon Plông) cũng bất an vì những trận động đất dồn dập. Theo ông A Hanh (50 tuổi, ở làng Xô Luông), làng Xô Luông nằm cheo leo bên mái đồi cạnh lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh, xung quanh làng là những dốc cao và đá lớn. Đó cũng là điều mà người dân lo lắng, nếu động đất kèm theo sạt lở xảy ra thì chẳng ai chạy kịp.
"Tất cả các nhà trong làng đều dựa lưng vào vách núi, mặt hướng ra lòng hồ thủy điện. Biết rất nguy hiểm khi động đất xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão, nhưng không còn cách nào khác. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nên đành liều ở lại đây thôi", ông Hanh nói.
Lên kịch bản ứng phó động đất
Ông Trần Văn Nết, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tăng, cho biết xã này là một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất nhiều nhất H.Kon Plông. Chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh, nhắc nhở từng nhà và tổ chức tập huấn… tránh trường hợp người dân chủ quan, lơ là với động đất.
Theo ông Phạm Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND H.Kon Plông, mặc dù đã xuất hiện hàng loạt các trận động đất trên địa bàn huyện nhưng qua thống kê chưa có thiệt hại về người cũng như tài sản. Chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên theo dõi, tập huấn, lên phương án ứng phó khi động đất xảy ra. Tại các trường học, giáo viên cũng đưa ra một số tình huống giả định để học sinh xử lý, đảm bảo an toàn khi có động đất.
Để ứng phó với động đất, tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các nhà máy thủy điện xây dựng 8 trạm quan trắc động đất truyền thông tin liên tục, cảnh báo sớm các dấu hiệu động đất cường độ lớn. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo các nhà máy thủy điện chủ động triển khai phương án ứng phó sự cố bất thường xảy ra, nhất là sự cố về động đất, dư chấn động đất.
Do thủy điện tích, xả nước
Ông Lê Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương tỉnh Kon Tum, cho biết từ tháng 3.2021 đến hết tháng 6.2023, trên địa bàn H.Kon Plông xảy ra 561 trận động đất. Động đất xảy ra tại H.Kon Plông là động đất kích thích. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do hoạt động tích, xả nước của các thủy điện trên địa bàn đã làm thay đổi trường ứng suất trong khu vực dẫn đến các hoạt động động đất xảy ra liên tục trong thời gian qua.