Nợ xấu đang là một điểm nóng của ngành ngân hàng. Hai quý đầu năm, chỉ tiêu này liên tục tăng tạo áp lực lên hoạt động, kết quả kinh doanh bị bào mòn, trong khi việc cấp tín dụng cũng trở nên thận trọng hơn. Áp lực này tiếp tục gia tăng trong quý III, nhưng không chỉ ở quy mô tổng nợ xấu mà còn là chất lượng các khoản nợ.
Nợ xấu phân loại dựa trên tiêu chí về thời gian quá hạn trả nợ. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) là nợ quá hạn 91 đến 180 ngày. Nếu thời gian quá hạn 181 ngày đến 360 ngày, khoản nợ này được phân vào nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và quá 361 ngày là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Nợ quá hạn càng lâu, khả năng thu hồi càng thấp. Đây cũng là lý do việc trích lập dự phòng tăng dần từ 20% với nợ nhóm 3 lên 50% với nợ nhóm 4 và 100% với nợ nhóm 5.
Trên báo cáo tài chính các nhà băng, sự thay đổi trong quý III so với nửa đầu năm nay chủ yếu ở tỷ trọng nhóm 3 và nhóm 4-5. Trong đó, quy mô nợ nhóm 3 có xu hướng giảm, nhưng nợ nhóm 4 và 5 đều tăng mạnh. Tích cực là tốc độ hình thành nợ xấu đang có xu hướng chậm lại, nhưng vấn đề là mức độ quá hạn đang có xu hướng gia tăng với các khoản nợ xấu cũ.
So với quý II, nợ nhóm 3 của Vietcombank giảm gần 8%, nhưng nợ nhóm 4 hơn gấp đôi, còn nợ nhóm 5 tăng hơn 30%. Diễn biến tương tự với VietinBank và BIDV. Nợ nhóm 3 của VietinBank tại cuối quý III chỉ bằng một nửa so với ba tháng trước đó, nhưng nợ nhóm 4 cao hơn gấp đôi, nợ nhóm 5 tăng hơn 25%.
Với nhóm ngân hàng tư nhân, diễn biến có phần kém tích cực hơn. Nợ nhóm 3 hầu hết không giảm, chỉ tăng với tốc độ thấp hơn nửa đầu năm. Trong khi đó, nợ nhóm 4 và 5 có xu hướng tăng mạnh hơn.
Tại Techcombank, quy mô nợ nhóm 3-5 đến cuối quý III đều tăng so với cuối quý I và II. Tổng nợ xấu của nhà băng tại ngày 30/9 là gần 6.500 tỷ đồng, tăng gần 30% so với ba tháng trước đó. Với VPBank, điểm tích cực là nợ nhóm 3 và 5 không biến động mạnh, nhưng nợ nhóm 4 tăng thêm gần 38%.
Theo Công ty chứng khoán VPBank (VPBank Securities), tổng quy mô nợ nhóm 4 của các ngân hàng niêm yết đến cuối quý III là 73.604 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với khi kết thúc quý II.
"Tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết vẫn dưới mức trần là 3% nhưng cũng là đáng cảnh báo ở thời điểm tình hình kinh tế khó khăn", báo cáo triển vọng ngành ngân hàng của VPBank Securities viết.
Nếu so với đầu năm, quy mô nợ xấu của hệ thống cũng neo ở mức cao. Tỷ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên 2,24% tại cuối quý III - mức cao nhất kể từ năm 2017.
Một tín hiệu tích cực khi tổng % nợ nhóm 2 đã giảm xuống 2,3% vào cuối quý III so với 2,5% vào cuối quý II. "Sự hình thành nợ xấu đang chậm lại", báo cáo mới nhất của VNDirect về ngành ngân hàng, đánh giá. Tuy nhiên nhóm phân tích cho rằng trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn đang khó khăn, chi phí dự phòng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong những quý tới.
Minh Sơn