Đó là thực trạng đáng lo được đoàn giám sát của HĐND TP Đà Nẵng chỉ ra sau chương trình giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng.
Bàn giao mặt bằng 5 năm, chưa có đất tái định cư
Hơn chục năm qua, nhiều hộ dân ở thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) phải sống trong cảnh ngóng đợi đất tái định cư. Bám trụ trong ngôi nhà xuống cấp nhiều năm mà không thể sửa chữa, ông Lê Công Tín (người dân xã Hòa Liên) cho biết lo lắng nhất là khi mùa mưa bão đến.
"Mưa lớn thì ngập, mưa nhỏ thì nước ứ đọng ruồi muỗi rất nhiều. TP phải tính toán sao có đất tái định cư để dân sớm ổn định cuộc sống chứ như thế này thì quá cực khổ", ông Tín nói. Theo thống kê, chỉ riêng địa bàn Hòa Vang có tới gần 650 hộ dân đã bàn giao mặt bằng từ hơn 5 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đất tái định cư.
Lấy ví dụ đơn cử về việc dự án chậm làm ảnh hưởng đến dân, bà Lê Thị Hồng Minh (đại biểu HĐND TP Đà Nẵng) cho biết đã nhiều lần nhận phản ánh liên quan đến dự án tuyến đường gom dọc đường dẫn cầu Thuận Phước (quận Sơn Trà). Hiện các hộ dân đã được cấp sổ đỏ tại đây nhưng thực tế tại khu vực này chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật như san nền, giao thông, cây xanh, điện chiếu sáng, vỉa hè...
Ngoài ra, tuyến thu gom nước khớp nối ra hướng sông Hàn chưa được đầu tư nên cỏ mọc um tùm, mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, tệ nạn xã hội và an ninh trật tự, ngập úng kéo dài.
Kết quả giám sát chuyên đề của HĐND TP Đà Nẵng cho thấy có 131 dự án thuộc diện chậm bàn giao, trong đó có nhiều dự án được đầu tư từ hơn 10 năm trước. Ông Nguyễn Thành Tiến (trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng) cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm bàn giao liên quan đến chuyển chủ đầu tư, giải thể nhà thầu, hồ sơ bàn giao dự án không đầy đủ, thất lạc.
Theo ông Tiến, việc sớm hoàn thành bàn giao dự án có nhiều ý nghĩa để khơi thông các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về đất đai phục vụ phát triển TP. Trường hợp ngược lại, nếu không sớm giải quyết thì "càng để lâu càng không có lối ra", ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Qua tìm hiểu, có 56 dự án có nguồn vốn đầu tư công và 75 công trình, hạng mục công trình có nguồn vốn ngoài ngân sách. Riêng các dự án chậm bàn giao có nguồn vốn từ Nhà nước thì đơn vị có nhiều dự án chậm bàn giao nhiều nhất là Công ty Vật liệu xây dựng - xây lắp kinh doanh nhà Đà Nẵng với 33 dự án và các ban quản lý thuộc UBND TP Đà Nẵng từ 3 - 7 dự án chưa bàn giao.
Đề xuất hướng xử lý quyết liệt, ông Lương Công Tuấn (trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng) cho rằng đối với các dự án chậm bàn giao cần phải chuyển hồ sơ cho cơ quan thanh tra và cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý. Riêng đối với các dự án không có hồ sơ do các ban quản lý, công ty giải thể, thất lạc thì phải có giải pháp, không để kéo dài thêm.
"Nhiều dự án của các công ty trước đây là doanh nghiệp nhà nước, giờ đã cổ phần hóa hoặc trường hợp nhà thầu giải thể, thất lạc hồ sơ do triển khai từ hơn 10 năm trước đây. Trong khi đó, bây giờ Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan yêu cầu phải làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục để nghiệm thu theo pháp luật hiện hành. Chúng ta yêu cầu cái mà không thể có được thì làm sao đáp ứng", ông Tuấn nói.
Tìm hướng tiếp cận khả thi
Ông Lương Công Tuấn đề xuất trường hợp nào không có hồ sơ thì có thể thành lập hội đồng nghiệm thu thực địa. Xem xét cụ thể từng công trình để bổ sung hồ sơ nhằm đảm bảo điều kiện bàn giao dự án để đưa vào vận hành. Bởi theo ông Tuấn, càng để lâu càng phức tạp, càng khó thực hiện các thủ tục bàn giao hơn và gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực dự án.
Ông Phùng Phú Phong (giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết để tìm đường ra cho các dự án chậm triển khai, đơn vị này sẽ tập trung vào việc xây dựng lại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ nào thiếu, thất lạc thì sẽ phối hợp các quận huyện, sở ban ngành tập trung rà soát làm lại. "Chúng tôi đang xem xét hồ sơ các dự án, khôi phục được đến mức nào thì sẽ báo cáo, đề xuất UBND TP cho ý kiến tháo gỡ đến đó", ông Phong nói.
Đồng thời Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết sẽ đối chiếu các quy định để xem xét hồ sơ đến mức độ nào thì có thể bổ sung hồ sơ thực địa, hồ sơ hiện trường. Theo tìm hiểu, việc xây dựng lại hồ sơ dự án gặp khó khăn chủ yếu ở 33 dự án của Công ty Vật liệu xây dựng - xây lắp kinh doanh nhà Đà Nẵng.
Kiểm tra tiến độ tại hơn 1.000 dự án, khu đất
Theo báo cáo của đoàn giám sát HĐND TP Đà Nẵng, trong 1.036 dự án, khu đất thuộc đối tượng kiểm tra tiến độ sử dụng đất có 155 dự án, khu đất đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định Luật Đất đai. Có 841 dự án, khu đất đang tiếp tục kiểm tra về tiến độ sử dụng đất.
Ông Lê Quang Nam (phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho biết đối với các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng TP sẽ phân ra năm nhóm dự án theo các thẩm quyền để tập trung giải quyết. Đối với nhóm dự án thuộc thẩm quyền của UBND TP sẽ có các giải pháp như bổ sung hồ sơ, tính lại giá đất.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị như vậy khi nhắc tới một số nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện sắp tới, yêu cầu có cách làm mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư, không để tình trạng 'vốn chờ dự án đủ thủ tục'.