Tôi đánh giá cao bài viết của Thủ tướng Kishida Fumio gửi báo Tuổi Trẻ. Điều đó thể hiện uy tín cao của báo Tuổi Trẻ trong lĩnh vực truyền thông và dư luận Việt Nam.
Những quan điểm của thủ tướng trong bài viết thể hiện rất rõ tầm nhìn của ông với ASEAN và vai trò của ASEAN với Nhật Bản.
Nếu nhìn một cách tổng thể, Nhật Bản - với tư cách là một nước nhập khẩu nguyên, nhiên liệu và hướng đến xuất khẩu - thì con đường thương mại đến với Nhật Bản hay từ nước này ra thế giới đến nay có hai con đường quan trọng nhất: một là đi qua ASEAN, hai là đi trực tiếp tới phía tây bán cầu.
Trên con đường ASEAN, Nhật Bản là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và giờ ASEAN cũng có tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở.
Về không gian kinh tế, nếu như trước đây chỉ nói về châu Á - Thái Bình Dương thì giờ đây cũng rộng mở hơn là khu vực kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với nhiều sáng kiến.
Điều đó cho thấy khu vực ASEAN và những con đường thương mại thông qua khu vực ASEAN, trong đó có Biển Đông của Việt Nam, sẽ ngày càng quan trọng với Nhật Bản.
Thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã phát triển tương đối nhanh chóng và ổn định trong 30 năm qua, trở thành thị trường ngày càng lớn và đa dạng hơn, có sức hút lớn hơn về thương mại và đầu tư.
Vai trò của khu vực này sẽ ngày càng quan trọng hơn khi có thêm những chủ trương chuyển dịch kinh tế với các nước phía nam trong châu Á. Đây vừa là cơ hội, tầm nhìn vừa là hướng đi trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh nhiều lần sự tin cậy chiến lược với ASEAN. Đây sẽ là cơ sở chắc chắn cho thương mại, đầu tư giữa hai bên có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Nhìn về tương lai, Nhật Bản sẽ làm thế nào đó để tăng cường hơn nữa đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giúp ASEAN có nền tảng công nghiệp mạnh mẽ hơn, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu, với những thách thức mang tính chất toàn cầu.
Việt Nam là nước đi tiên phong trong việc mở cơ quan đại diện tại khu vực tây nam của Nhật Bản, sau đó là Thái Lan.
Một số đại diện ASEAN như Singapore, Malaysia, Philippines khi đến Nhật Bản đều tìm đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka để trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về việc kết nối các nước ASEAN với nhau.
Các hoạt động ở sở tại của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka cũng nhằm hướng đến nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN nói chung.
Kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản cũng trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Tôi cho rằng đó là một sự trùng hợp thú vị.
Khi ở Nhật Bản, tôi hay dùng một khái niệm: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản mà càng hợp tác thì càng mở ra nhiều lĩnh vực để hợp tác cao hơn, sâu hơn, rộng hơn chứ không gây ra trở ngại.
Những văn kiện được ký kết giữa hai nước nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính sang dự Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN, nhất là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, là những bước phát triển một cách tự nhiên có nền tảng sâu sắc của 50 năm.
Với các chương trình ODA thế hệ mới về phát triển xanh, Nhật Bản cũng thể hiện mong muốn giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế công nghiệp hóa - hiện đại hóa, độc lập, tự cường, ngày càng đóng góp lớn hơn vào khu vực và trên thế giới.
Các dự án lớn, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sẽ tác động rất lớn vào tương lai phát triển kinh tế Việt Nam, tạo hiệu ứng phát triển liên ngành và đa ngành, đồng thời làm quan hệ Việt - Nhật ngày càng sâu sắc hơn nữa.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố thêm hai khoản hỗ trợ mới trị giá hàng chục tỉ yen để củng cố quan hệ ASEAN - Nhật Bản, trong hội nghị kỷ niệm 50 năm hai bên thiết lập quan hệ.