vĐồng tin tức tài chính 365

Sài Gòn dậy sớm - Kỳ 5: Những góc sửa xe mở 'giờ âm phủ'

2023-12-18 12:28
Thức dậy từ 2h sáng, bà Nhanh ra vỉa hè mưu sinh nhờ kỷ vật là cái máy bơm xe của người chồng quá cố - Ảnh: AN VI

Thức dậy từ 2h sáng, bà Nhanh ra vỉa hè mưu sinh nhờ kỷ vật là cái máy bơm xe của người chồng quá cố - Ảnh: AN VI

Sống nhờ kỷ vật máy bơm xe của chồng quá cố

Nép mình bên những cung đường sầm uất như Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng (quận 1)..., ban ngày chẳng mấy ai để ý những góc sửa xe nhỏ xíu, nghèo nàn. Và chỉ khi ai đó bị trục trặc xe cộ giữa đêm hôm khuya khoắt, những góc sửa xe đơn sơ mới như sáng bừng lên.

Lọ mọ dậy sớm từ lúc mới 2h sáng, khuấy thêm phích trà đường, bà Đỗ Thị Kim Nhanh gom vội mớ tiền lẻ cùng mấy liều thuốc trị rối loạn tiền đình vào túi rồi chậm rãi đi bộ ra góc đường đối diện vòng xoay Điện Biên Phủ (quận 1), bắt đầu hành trình bơm xe mưu sinh của mình.

Món đồ nghề duy nhất của bà là chiếc máy bơm mà người chồng đã mua cách đây hơn 15 năm. Gửi chiếc máy bơm nhà người quen nên bà Nhanh rón rén đẩy thật nhẹ chiếc máy bơm ra đặt sát đường, dựng thêm cây dù và cắm điện chiếc bóng đèn nhỏ là xong việc "mở tiệm".

Ngồi trên chiếc ghế nhựa cũ kỹ, ánh mắt bà dõi xa xăm chờ khách. "Ra sớm ngồi vậy thôi chứ cũng chẳng biết có khách không nữa. Cái này phải tùy hôm, có khi ngồi tới sáng cũng chỉ đuổi ruồi", bà Nhanh cười nói.

Địa điểm này là nơi "đóng đô" của bà đã gần 30 năm. Quê Long An, trước đây bà theo chồng lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bơm xe, hai vợ chồng thuê căn trọ nhỏ ở quận Bình Thạnh làm cũng đủ đắp đổi qua ngày. Nhưng khi chồng mất cách nay 10 năm, chỉ còn mình bà chèo queo với cái máy bơm kiếm sống như là kỷ vật đẫm mồ hôi của chồng.

Ngồi được hơn một tiếng, có cô gái trẻ rà rà chạy chiếc xe tay ga bị xẹp bánh sau tấp vào nhờ bà Nhanh bơm giúp. Bà nhìn sơ là biết bánh đã thủng hẳn chứ không phải xì hơi. "Bánh này lủng rồi, cô bơm tạm rồi chạy lẹ lên trên có chỗ vá, chứ không là nó đứt chân van", bà thiệt thà nói với cô gái.

Đã 68 tuổi, bà Nhanh chậm rãi kéo chiếc vòi bơm, ngồi xuống nặng nhọc rồi nhờ cô gái đẩy xe đến đúng điểm van bơm thì dừng vì không tự xoay bánh nổi. Nhấn giữ hồi lâu, bà búng búng mấy cái rồi ra hiệu cô gái chạy lẹ để kịp đến chỗ vá xe.

Công việc mỗi ngày của bà chỉ giản đơn như thế nhưng đã giúp được rất nhiều người giữa đêm hôm khuya khoắt. Giá bơm bà tính 5.000 - 10.000 đồng/chiếc, nhiều người thấy tội bà già lọ mọ đêm khuya nên sẵn sàng cho thêm.

Việc bơm xe giờ quá bèo bọt, chỉ giúp bà kiếm được vỏn vẹn 1-2 triệu đồng/tháng. Bà nhớ lại khi xưa đây là kế sinh nhai từng giúp bà nuôi được hai đứa con trai đến khi lập gia đình.

"Mấy đứa con nó cũng khuyên tôi nghỉ hoài, mà mình nhìn nó khổ, lo vợ con chưa xong còn lo thêm mình thì tội quá nên ráng kiếm được bao nhiêu hay bấy nhiêu", bà Nhanh chân chất tâm sự.

Ông Vĩnh đẩy chiếc xe tự chế đi sửa xe ở khu vực Hàng Xanh lúc nửa đêm về sáng - Ảnh: AN VI

Ông Vĩnh đẩy chiếc xe tự chế đi sửa xe ở khu vực Hàng Xanh lúc nửa đêm về sáng - Ảnh: AN VI

Tiệm sửa xe lưu động "cứu tinh" giữa đêm khuya

Rà xe chầm chậm xuống ngã tư Hàng Xanh, tôi gặp một người đàn ông mặt mày lấm lem đang quặt quẹo đẩy chiếc xe tự chế chở đủ thứ đồ.

Ông là Tạ Khắc Vĩnh, người không xa lạ gì với cánh tài xế xe ôm khu vực, bởi đêm hôm ai hư xe đều tìm tới ngay ngã tư Hàng Xanh tìm ông.

Tiếng là sửa xe lưu động, nhưng cái chân trái bị tật từ nhỏ khiến việc di chuyển của ông gặp nhiều khó khăn, chủ yếu ông chỉ quanh quẩn bán kính 2km xung quanh.

Chiếc xe đẩy tự chế của ông Vĩnh chất đồ cao quá đầu từ bánh xe, vỏ xe, xô chậu, máy bơm... tất cả đều được người đàn ông này sắp xếp gọn ghẽ. Dù không đầy đủ như các tiệm sửa xe lớn, nhưng chừng đó là đủ để ông sửa được những "bệnh vặt" và "cân" mọi loại xe.

"Trừ máy móc phức tạp phải tháo lắp bên trong, hư lặt vặt bên ngoài tôi sửa được hết. Sợ là không có linh kiện để thay thế giữa đêm hôm, vì mình ít vốn không dám mua sẵn nhiều", ông Vĩnh nói.

Ông kể ngày xưa do không có điều kiện theo thầy thợ, ông chỉ học lỏm rồi tự làm đi làm, riết thành quen.

Chân có thể chậm, nhưng đôi tay người thợ già thoăn thoắt khi nạy từng cái ruột xe dưới ánh sáng le lói của đèn đường. Ông tự tin khoe đã có tuổi nghề 20 năm, chân mà lành lặn đã thành thợ giỏi ở xưởng xe xịn lâu rồi.

Mỗi ngày ông cứ đẩy xe qua lại khu vực Hàng Xanh từ 11h đêm tới khi trời sáng tỏ thì về. "Đêm nào làm nhiều thì về ghé mua thêm bịch bún ăn rồi nghỉ, làm ít thì nản quá ngủ luôn cho quên đói đến trưa", ông cười nói.

Chỉ những đêm mưa gió, trời trở lạnh, chân hành đau, ông Vĩnh mới đành bất lực nằm nhà trọ nghỉ. Ngày nào vắng ông là ngày đó cánh xe ôm chờ khách ở khu vực ngã tư Hàng Xanh thiếu đi một người tâm giao tám chuyện và sẵn sàng "cứu tinh".

"Ai bị hư xe, cứ gọi tôi"

Đang đung đưa chiếc võng mắc ngay góc đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), anh Thái Văn Đậm trùm kín mít như đã ngủ. Nhưng vừa nghe tiếng xe thắng két, chàng trai gốc Vĩnh Long đã nhanh nhẹn bật dậy.

Anh Đậm kể chỉ mới đi sửa xe đêm được khoảng ba năm nay, trước đó anh chạy Grab, nghề sửa xe là học từ gia đình. Đã không ít lần anh trổ tài "cứu tinh" những người hư xe lúc nửa đêm.

"Tôi để ý ban đêm người ta hư xe, hết xăng dọc đường nhiều lắm. Chạy Grab đêm cũng chẳng được bao nhiêu, nên thôi quyết định chế thêm cái xe đồ nghề đằng sau kéo đi sửa dạo", anh Đậm nói về cái duyên đến với nghề sửa xe đêm.

Trên xe anh dán đủ các thông tin, từ số điện thoại, địa chỉ mạng xã hội cho đến các dịch vụ sửa chữa để mọi người có thể tiện lưu lại, khi cần có thể gọi. "Miễn ai có trục trặc xe cộ trong khu vực TP.HCM thì cứ gọi tôi, xa đến đâu tôi cũng tới sửa", anh Đậm nói.

Chiếc Wave độ xe đồ nghề phía sau đã cùng anh Đậm rong ruổi khắp nhiều ngõ ngách Sài Gòn. Anh cũng trải qua rất nhiều câu chuyện thú vị trở thành động lực để anh tiếp tục hành nghề sửa xe đêm.

"Có lần tôi rề xe qua khu vực quận 7, thấy một bạn đoán là sinh viên đang bắt Grab, từng là dân trong nghề nhìn khu vực này vắng tanh là tôi đoán không ai dám nhận cuốc nên cho đi nhờ xe. Tôi không lấy tiền vì thuận đường đi sửa cho khách, nhưng chắc do bạn ấy chụp được số tài khoản in trên xe nên sáng hôm sau chuyển tiền, cảm ơn ríu rít", anh Đậm vui vẻ nhớ lại.

Khu bán đồ lạc xoong nơi góc đường Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) này có những người đã bắt đầu bán từ lúc mới 4h sáng và cũng có cả những gian hàng bán trắng đêm.

Tuy nhiên, không phải người sửa xe đêm nào cũng có những kỷ niệm vui. Ngay ngã ba đường Nguyễn Văn Giai (quận 1), ông Tuấn có thâm niên sửa xe đêm từ những năm 80 của thế kỷ trước đã trải nhiều chuyện nguy hiểm trong nghề.

Ông Tuấn kể bây giờ an ninh tốt hơn, chứ khoảng chục năm trước, ông sửa xe đêm mệt quá chợp mắt một tí là bị trộm khuân đồ nghề ngay.

"Nó trộm đủ thứ, có khi lấy cả bộ đồ nghề mua mấy triệu bạc, khi thì lấy bóng đèn, thậm chí còn đánh thuốc mê lấy điện thoại nữa", ông Tuấn kể. Từ đó, mỗi khi ra sửa xe đêm là ông đều dắt theo... ba chú chó. Có người tới, chúng sẽ sủa báo hiệu, và ông cũng có chúng để thủ thỉ những đêm hôm mưa gió vắng khách...

______________________________________________

Kỳ tới: Thú săn đồ lạc xoong khi trời chưa sáng

Sài Gòn dậy sớm - Kỳ 4: Cô hàng rau và cuộc mưu sinh từ 23h khuyaSài Gòn dậy sớm - Kỳ 4: Cô hàng rau và cuộc mưu sinh từ 23h khuya

5h30 sáng, chuyến xe buýt màu xanh giảm tốc độ rồi dừng lại ở ngã ba đường Trần Văn Giàu và đường 32A (quận Bình Tân, TP.HCM). Một phụ nữ trạc 40 tuổi nhanh nhẹn bước xuống xe. Chị là người dậy sớm để bán rau.

Xem thêm: mth.77585731081213202-uhp-ma-oig-om-ex-aus-cog-gnuhn-5-yk-mos-yad-nog-ias/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sài Gòn dậy sớm - Kỳ 5: Những góc sửa xe mở 'giờ âm phủ'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools