Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia đang dần khép lại. Chủ đề nước chủ nhà lựa chọn cho các hội nghị năm nay là "ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng".
Đông Nam Á sở hữu dân số đông, khoảng 700 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình toàn cầu và tương đối ổn định. Do vậy, khu vực đang được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Tính đến nay, cơ bản 16 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế do nước chủ nhà Indonesia lựa chọn, tập trung vào 3 định hướng lớn đã cơ bản hoàn thành, gồm: tái thiết tăng trưởng khu vực thông qua kết nối thị trường và nâng cao tính cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi và tham gia kinh tế số một cách bao trùm; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Indonesia năm nay đã chọn cách tiếp cận tương đối khác, nhưng vẫn nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, tức là không chỉ quá tập trung vào việc dỡ bỏ các rào cản về thương mại, về đầu tư để làm sao bán sản phẩm của nhau qua biên giới thuận lợi nhất. Nước chủ nhà đã tìm những cách thức hợp tác mới mang tính gây dựng để đem lại giá trị cao nhất cho từng nước thành viên thông qua 2 sáng kiến điển hình là về xe điện và kinh tế số.
Người dân chụp ảnh bên logo Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023. (Ảnh: AFP)
Về kinh tế xanh, bên cạnh hợp tác chuyển đổi năng lượng tái tạo, phát triển hệ sinh thái xe điện trong khu vực và rộng ra là tăng cường hợp tác với nhóm ASEAN+3 gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản được xem là kết quả đáng chú ý nhất trong năm ASEAN 2023.
Khu vực đang sở hữu nguồn nguyên liệu khoáng sản chiến lược để sản xuất pin xe điện:
- Indonesia là nước có trữ lượng nikel lớn nhất thế giới;
- Việt Nam là nước xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm;
- Philippines là nước có trữ lượng cobalt lớn thứ 4 thế giới;
- Malaysia nằm trong top 10 nước có trữ lượng mangan lớn nhất.
Do vậy việc xây dựng một hệ sinh thái xe điện chung của khu vực là một tầm nhìn hoàn toàn khả thi.
"Nếu như hợp tác đặt trong khuôn khổ trước đây, tức là ASEAN chỉ cung cấp những nguyên liệu, rõ ràng giá trị tạo ra cho khu vực ở mức rất thấp. Đây lại là cả một ngành mới được hình thành và luật chơi thay đổi, công nghệ thay đổi… Đây chính là cơ hội để ASEAN nắm bắt những cái khâu cao hơn, từ đó đem lại những cái giá trị cao hơn", ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, đánh giá.
Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN đang từng bước tham vấn xây dựng Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon và xây dựng Khung Kinh tế Biển xanh ASEAN. Đây được xem là những ưu tiên kinh tế quan trọng trong thời gian tới.
Về hợp tác kinh tế số, điểm sáng trong năm 2023 là các quốc gia đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA). Phiên đàm phán đầu tiên đã diễn ra vào ngày 1/12.
Trong lúc chờ đợi, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines đã quyết định mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế số bằng việc ký thỏa thuận thanh toán xuyên biên giới (QRIS) - một động thái mang tính bước ngoặt khi cho phép giao dịch thông qua một mã QR đơn giản.
"Hệ thống thanh toán mã QR của ASEAN là cách để ASEAN có thể trở thành một khu vực kỹ thuật số và hội nhập, cho phép khách hàng, khách du lịch hoặc thậm chí cả doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch trên toàn bộ khu vực đó theo cách khá liền mạch và cũng có chi phí giao dịch thấp. Mã QR chung sẽ giúp ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty kỹ thuật số bên ngoài khi muốn đầu tư vào khu vực", ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, cho biết.
Theo báo cáo mới công bố của Google, Temasek và Bain, các nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm nay.
Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2025, nhanh nhất ở Đông Nam Á và đang trên đà hướng đến mục tiêu 45 tỷ USD vào năm 2025.
Giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN
Tuy nhiên một trong những vấn đề thách thức hiện nay đó là thương mại nội khối của 10 nước thành viên vẫn chỉ đạt quanh mức 20 - 22% và đang có xu hướng giảm. Sau đây là một số đóng góp ý kiến để thúc đẩy liên kết kinh tế nội khối ASEAN.
"Chúng ta cần thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các nước thành viên ASEAN. Đầu tư nội khối cũng chỉ chiếm khoảng 20%. Cần nhiều hơn nữa sáng kiến và hỗ trợ để các bên có thể thúc đẩy dòng vốn FDI với nhau", ông Bernardino Moningka Vega, Chủ tịch luân phiên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ASEAN (ASEAN BAC), nêu quan điểm.
"Trước mặt vấn đề nổi cộm là vấn đề điện tái tạo. Với lưới điện, Đông Nam Á nên có sự gắn kết với nhau. Thứ hai, chúng ta có thể định vị trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử phục vụ cách mạng số", PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nhìn nhận.
"Kinh tế số đòi hỏi có quy mô đủ lớn và từng nước ASEAN thì chưa đủ, mà cần kết hợp giữa các nước trong ASEAN với nhau. Chính vì vậy ASEAN đã thúc đẩy mạnh việc khởi động đàm phán các hiệp định kinh tế số trong thời gian tới. Nếu như hiệp định hoàn thành có thể đem lại giá trị khoảng 2.000 tỷ USD đối với các nước ASEAN từ nay cho đến năm 2030", ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhận định.
VTV.vn - Một số nền tảng du lịch bắt đầu cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" nhằm tăng trải nghiệm cho người dùng, kích thích chi tiêu du lịch và góp phần thúc đẩy du lịch số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.96395951181213202-hnax-et-hnik-os-et-hnik-cat-poh-yad-cuht-naesa/et-hnik/nv.vtv