Ngoài ra, hội đồng xét xử còn phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng. Đặc biệt, bị cáo Mười Tường phải nộp lại gần 760 tỉ đồng từ số tiền trốn thuế để nộp ngân sách.
Tuyên án trùm buôn lậu Mười Tường và 2 cựu cán bộ cảnh sát ở An Giang
Bị cáo Nguyễn Văn Võ phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 3,5 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước và bị cáo Nguyễn Văn Sang nộp lại hơn 1,3 tỉ đồng.
"Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh giữ vai trò chủ mưu, hai bị cáo Sang, Võ là đồng phạm trong vụ án này. Các bị cáo đã trốn thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm mất trật tự tài chính ngân hàng nên cần phải có mức án thích đáng", đại diện hội đồng xét xử khẳng định.
Theo cáo trạng, từ năm 2010-2020, bà Mười Tường đã thành lập Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu Hạnh Phát, với ngành nghề là mua bán đường cát, sản xuất đường phèn.
Đồng thời, bà này còn nhờ hàng loạt người làm thuê đứng tên một số doanh nghiệp để giúp cho việc trốn thuế của mình.
Trong quá trình hoạt động, bà Mười Tường đã xuất bán đường cát nhập lậu cho nhiều người ở các tỉnh thành như An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và TP.HCM với tổng trị giá hàng hóa hơn 2.863 tỉ đồng.
Toàn bộ số tiền bán hàng, bà Mười Tường không kê khai nộp thuế thông qua việc không xuất hóa đơn bán hàng. Nhờ đó, công ty của bà Mười Tường đã trốn thuế gần 760 tỉ đồng. Nhiều nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp với hơn 621 tỉ đồng.
Để chuyện làm ăn phi pháp không bị lộ, toàn bộ tiền giao dịch bà Mười Tường đều chỉ đạo chuyển sang tài khoản ngân hàng của người khác. Bà Mười Tường chỉ đạo người làm thuê rút tiền ra từ các tài khoản nói trên.
Sau đó chuyển trực tiếp một phần vào tài khoản ngân hàng của hai cựu cảnh sát Nguyễn Văn Võ và Nguyễn Văn Sang dưới danh nghĩa làm từ thiện, nuôi cá, gửi tiết kiệm. Ông Võ nhận 3,5 tỉ đồng, ông Sang nhận 1,3 tỉ đồng để làm từ thiện.
Hai cựu cảnh sát tỉnh An Giang bị cáo buộc giúp bà Mười Tường ‘rửa tiền’ hầu tòa trong vụ án ‘rửa tiền và trốn thuế’ hàng trăm tỉ đồng.