Đó là điều mà Hannah Arendt gọi là "sự tầm thường của cái ác", PGS.TS Phạm Xuân Thạch - chủ nhiệm khoa văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội - nhớ đến khi đọc tiểu thuyết Bác Hana.
Bác Hana do Nhà xuất bản Phụ Nữ vừa phát hành, được dịch giả Bình Slavická dịch từ nguyên bản cuốn tiểu thuyết Séc mang tên Hana của nữ tác giả Alena Mornštajnová.
Sự tự vấn của người Séc
Đây là một cuốn tiểu thuyết về những nạn nhân của trại tập trung và nạn nhân dịch bệnh năm 1954 ở một thị trấn của Czech (Séc), về hai thế hệ người Do Thái ở Séc.
Người bác đi qua chiến tranh và trại tập trung, chỉ còn là một hình nhân, không còn chiếc răng nào, tóc bạc trắng khi mới ngoài 20 tuổi, bị những hội chứng nạn nhân cuộc diệt chủng của Đức quốc xã (Holocaust) nặng nề, mất mọi khả năng giao tiếp với người khác.
Vậy mà bác lại mang cái tên Hana, có nghĩa là nhân hậu, hay dịu dàng, dễ thương, đẹp đẽ. Trong tiếng Séc, hana còn là một danh từ chỉ sự hổ thẹn, tủi nhục, mất danh dự.
Tiếp theo là Mira, người cháu mới 9 tuổi của Hana, mất cả gia đình vì dịch bệnh thương hàn. Hai con người đó nương tựa vào nhau để vượt qua những chấn thương kinh khủng mà số phận bắt họ phải chịu đựng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, PGS Phạm Xuân Thạch nhận định cuốn tiểu thuyết này nói về những nạn nhân của trại tập trung nhưng điều độc đáo là nó không nói về phát xít Đức, những tội phạm chính, những kẻ thủ ác, mà nó tập trung vào những người Séc, về thái độ của họ trước những kẻ chiếm đóng Đức, và những người Do Thái trên khía cạnh đồng bào.
Ông Thạch nói cuốn tiểu thuyết là sự tự vấn của chính người Séc về những điều mà họ có liên can; là sự mổ xẻ những nhỏ nhặt, hèn nhát và ích kỷ của chính những người Séc và người Do Thái đã vì ích kỷ mà tiếp tay cho bọn đồ tể.
Cái ác chỉ có thể diễn ra khi kẻ thủ ác thao túng được những kẻ khác bằng sự ích kỷ và nỗi sợ của họ, khiến họ câm lặng trước cái ác.
Cuốn tiểu thuyết khiến ông Thạch nhớ lại luận điểm trong tập tiểu luận đã được dịch sang tiếng Việt có tên Eichmann ở Jejusalem của triết gia người Do Thái Hannah Arendt.
Trong cuốn sách về phiên tòa xét xử tên đồ tể - giám đốc trại tập trung của Đức, bà Hannah Arendt đã đưa ra một luận điểm gợi suy nghĩ: Sự tầm thường của cái ác.
"Cái ác sinh ra không phải từ quỷ Sa Tăng, mà là sự ích kỷ, tầm thường, sự vô cảm của con người, sự mất khả năng được khai minh khiến không bao giờ đặt câu hỏi ta làm điều này đúng hay sai? Cả một dân tộc Đức đã trở nên điên loạn và mất nhân tính theo cách như vậy...", ông Thạch nói.
Tình yêu cứu chuộc
Nhưng Bác Hana không chỉ có thế. Đi cùng với "sự tầm thường của cái ác" chính là sự vĩ đại của tình yêu.
Bởi tình yêu dành cho đứa cháu gái mồ côi, người bác Hana, người chỉ mong cái chết để được giải thoát khỏi những khổ ải, gánh nặng quá khủng khiếp mình phải mang vác, đã lựa chọn "không được chết" để nuôi người cháu trưởng thành.
Cũng bởi tình yêu và chỉ có thể là tình yêu vô cùng lớn lao dành cho người cháu mà bác Hana cuối cùng đã chấp nhận cuộc hôn nhân của cháu mình với con trai của kẻ hèn nhát đã đẩy bà vào bi kịch cùng tận của kiếp người khiến bà chỉ ước giá mà bà đã chết ở trong trại tập trung của phát xít Đức.
Cuối cùng, lại lớn nhất trong cuốn sách viết về tội ác lại chính là tình yêu, tình yêu giữa những người trong gia đình. Cũng nhờ tình yêu thương gắn kết gia đình vô cùng cảm động mà cuốn sách đã hấp dẫn bạn đọc ở nhiều nước trên thế giới kể từ khi nó ra đời vào năm 2017 tại Séc.
Dịch giả Bình Slavická cho biết năm 2018, cuốn sách đã được trao giải Sách Séc (Česká kniha). Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể sang kịch bản sân khấu và được biểu diễn rất thành công ở Séc. Tiểu thuyết cũng đã được chuyển thể sang kịch bản phim và đang chờ dựng.
Tới nay, Hana đã được dịch sang 18 ngôn ngữ, và 7 nước khác đã mua bản quyền.
Xem loạt phim tài liệu In the name of God: A holy betrayal để thấy còn những điều kinh khủng gấp ngàn lần đằng sau các dị giáo...