Như Thanh Niên đã thông tin, chị N.K (ngụ Q.4, TP.HCM) cho biết chỉ một ngày sau khi đặt vé máy bay từ TP.HCM đi Cam Ranh, lịch trình chuyến bay của chị bị tuồn cho nhiều dịch vụ vận chuyển và tin nhắn chào mời liên hệ dịch vụ đưa đón được gửi tới tấp đến số máy điện thoại của chị. Tương tự, anh Trần Vũ D. (ngụ TP.HCM) cho hay cứ trước khi bay 1, 2 ngày là điện thoại dồn dập gọi đến anh chào mời dịch vụ xe đưa từ sân bay về hoặc ngược lại. Trong khi đó, anh Roger Nguyễn, một bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên, thông tin: "Gần đây tôi đăng ký mở thẻ ngân hàng, ngay lập tức sau đó mỗi ngày có hơn 5 cuộc gọi mời chào từ bảo hiểm, nhà đất, chứng khoán…".
Tiếp cận với người tên Trần Văn Nhật đang rao bán tập tin (data) khách hàng trên mạng xã hội, PV được chào mời giá chỉ 200.000 đồng cho gần 700.000 số điện thoại, cùng đầy đủ họ tên, địa chỉ, email... Liên hệ với tài khoản Lucifer Phạm qua ứng dụng Telegram, PV nhận được danh sách khách hàng VIP trong lĩnh vực chứng khoán với đầy đủ email, năm sinh, số điện thoại để "kiểm tra" trước khi thanh toán.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Phú Lương, Phó trưởng phòng Giám sát an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), nhận định 80% nguyên nhân lộ, lọt thông tin cá nhân xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng, 20% còn lại do phía các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ, làm lộ. Theo ông Lương, việc lộ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, tên tài khoản trên các mạng xã hội Facebook, Instagram... khiến người sử dụng gặp rắc rối vì tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo... Thậm chí kẻ xấu sử dụng ảnh thật của người dùng tạo nên tài khoản giả mạo để đi lừa bạn bè, người thân của họ.
Ai bán thông tin cá nhân ?
Theo BĐ, tình trạng mua bán thông tin cá nhân công khai trên mạng đã xuất hiện lâu nay, gây bức xúc cho nhiều người. BĐ có địa chỉ email daithanhnew…@gmail.com cho biết: "Tôi mới đăng ký tài khoản ngân hàng được một hôm là đã có người bên "tín dụng đen" gọi điện làm phiền, mời vay tiền, làm thẻ. Nhưng tôi hỏi nhân viên ngân hàng thì họ nói thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối".
BĐ Andy Quách bổ sung: "Họ còn biết tôi gửi tiền tiết kiệm ở đâu, số dư bao nhiêu nữa. Bây giờ nghe những cuộc gọi dạng này, sau hai câu đầu là tôi tắt điện thoại liền".
BĐ Hilland lo ngại về việc mỗi khi di chuyển bằng đường hàng không, thông tin lịch trình, thời gian, địa điểm của mình bị lộ: "Trước ngày tôi bay từ TP.HCM đi Đà Lạt, có nhiều tin nhắn, cuộc gọi tới chào giá xe đi từ sân bay Liên Khương về khách sạn. Bay đi Cam Ranh tôi cũng bị gọi, nhắn kiểu như vậy. Ai đã bán thông tin các chuyến bay của tôi?".
Phía người tiếp nhận thông tin bị rao bán cũng cảm thấy phiền hà. "Không chỉ trên mạng xã hội mà tôi còn nhận được các email gửi đến giới thiệu những gói data khách hàng nhiều lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… Tôi không mở file kèm theo vì sợ có thể bị dính mã độc, nhưng quan trọng là mình không có nhu cầu về những tài liệu đó, thấy rất phiền", BĐ Luong Vi bày tỏ.
Phạt nặng người bán, nhắc nhở người mua
BĐ cho rằng các hình thức giao dịch, liên lạc, nhất là dịch vụ trực tuyến, hiện rất phổ biến, nhiều trường hợp người dùng phải cung cấp thông tin để sử dụng. "Nhiều công việc, giao dịch hiện nay phải có thông tin cá nhân cụ thể thì mới tiến hành được, nên điều quan trọng là nơi cung cấp dịch vụ, sử dụng phải giữ bí mật cho khách. Chứ tôi đã đưa thông tin ra rồi thì không thể bắt một mình tôi bảo mật được nữa", BĐ Hoàng Bình nêu quan điểm.
Dẫn chứng trên mạng xã hội Telegram đang có nhiều nhóm rao bán số điện thoại, chia theo từng nhóm ngành nghề, lĩnh vực để nhắm đến cụ thể từng nhu cầu, BĐ Trans nhìn nhận: "Có thể thấy việc mua bán thông tin này là có tính tổ chức. Do vậy, các đơn vị phải cam kết không để lọt thông tin khách hàng ra bên ngoài, mà không cần biết là doanh nghiệp để lộ hay do nhân viên ham lợi lấy trộm đem đi bán".
BĐ Hân Lê đề nghị ngành chức năng gia tăng biện pháp ngăn chặn: "Thông tin gắn liền theo số thuê bao hiện nay hầu hết là chính chủ theo quy định, do đó mức độ thiệt hại sẽ rất lớn nếu lọt vào tay kẻ xấu. Mong cơ quan quản lý rà quét những chợ, nhóm bán dữ liệu trên mạng, xóa sổ ngay khi thấy có dấu hiệu phi pháp".
"Mua bán thông tin riêng tư của người khác là vi phạm pháp luật. Cần phải phạt nặng những ai đang rao bán các loại data. Nhắc nhở cả những người mua loại thông tin này. Cơ quan quản lý thông tin mạng phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh mạng, ngành công an thì mới xử lý được từ trên các nền tảng, để cần thiết thì truy tố, đưa ra tòa xét xử nghiêm", BĐ Lawyer đề đạt.
Việc mua bán thông tin cá nhân công khai trên mạng xã hội đã có từ lâu, không phải đến bây giờ mới có. Đề nghị xử lý hình sự thật nghiêm khắc những ai bán và mua.
Thanh Tịnh Phan
Vấn đề là đối tượng bán thông tin cá nhân cho người cần mua, nhưng những người mua đó dùng để làm gì thì chưa thấy đề cập?
Sơn Hải
Đề nghị xử thật nặng loại tội phạm bán thông tin cá nhân này, để người dân an tâm, để răn đe...
Nguyễn Thành Trí