Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục lập đỉnh
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 11 - 17/12, giá hai loại cà phê tăng lần lượt 11,84% với Robusta và 6,86% với Arabica.
Trong tuần vừa qua mức tăng mạnh đã đẩy giá cà phê Arabica và Robusta lên mức cao nhất trong gần 6 tháng. Lo ngại nắng nóng tại vùng trồng cà phê chính của Brazil ảnh hưởng đến sản lượng và quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tác động kép lên giá cà phê trong tuần qua.
Theo số liệt trên báo Công Thương, Viện Khí tượng Quốc gia Brazil (INMET) cảnh báo nhiệt độ tại khu vực Đông Nam, vùng trồng cà phê chính của Brazil có thể hứng chịu nắng nóng gay gắt trong 4 ngày liên tiếp, thậm chí nền nhiệt có thể lên trên 40 độ C vào cuối tuần. Hơn nữa, độ ẩm có thể xuống dưới mức trung bình. Thị trường lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cây cà phê và khiến sản lượng niên vụ 2024/25 tại Brazil không tốt như kỳ vọng trước đó.
Hơn nữa, FED quyết định giữ nguyên mức lãi suất 5,25 - 5,5% trong kỳ họp tháng 12 và có thể cắt giảm 0,75% lãi suất trong năm 2024 khiến giới đầu cơ gia tăng lực mua, nông dân Brazil hạn chế bán do thu về ít ngoại tệ hơn.
Ngoài ra, thông tin Việt Nam đang có xu hướng hạn chế bán cà phê để chờ giá lên đã đẩy giá Robusta tăng cao hơn Arabica.
Dù vậy, trong báo cáo khảo sát kết quả mùa vụ lần thứ 4, CONAB đã nâng dự báo sản lượng cà phê năm 2023 của Brazil lên 55,07 triệu bao loại 60kg, tăng lần lượt 8,2% và 1,31% so với năm 2022 và báo cáo trước đó.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng. Cụ thể, những ngày đầu tháng 12, thủ phủ cà phê Tây Nguyên vào vụ thu hoạch. Giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 11 và sắp chạm đỉnh lịch sử 70.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 11 vừa qua, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.990 USD/tấn, tăng 26,2% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân loại hạt này của nước ta đạt mức 2.573 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 11 tháng năm 2023, nước ta xuất khẩu 1,41 triệu tấn cà phê, thu về 3,64 tỷ USD. Lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 0,4% về giá trị do giá tăng mạnh.
Hiện các địa phương sản xuất của Việt Nam đang bước vào niên vụ mới 2023-2024 và đã thu hoạch được khoảng 50% sản lượng. Do thời tiết không thuận lợi, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ này được dự kiến giảm so với niên vụ 2022/2023.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Vietnamnet, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 110,8 triệu bao, giảm 5,5% so với niên vụ trước đó.
Tại Việt Nam, lượng cà phê xuất khẩu trong năm nay cũng sụt giảm khoảng 15%. Song đổi lại, giá cà phê nhân lại tăng cao, có thời điểm lên tới 70.000 đồng/kg.
Niên vụ 2023/2024 được đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với ngành cà phê thế giới. Trong đó, biến đổi khí hậu cùng những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cà phê toàn cầu, khiến cho năng suất và chất lượng giảm.
Dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung khan hiếm. Mặc dù Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2023/2024, tuy nhiên tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra, trong khi nhu cầu lớn. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu của châu Âu rất lớn và nguồn cung cấp gần như hoàn toàn từ cà phê Robusta của Việt Nam, ít nhất là từ nay đến hết tháng 4/2024.
Hiện, diện tích cà phê bị thu hẹp tại nhiều vùng trồng trọng điểm, trong niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống ở mức khoảng 1,6-1,7 triệu tấn. Uớc tính, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta trong niên vụ 2023-2024 sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 1,4 triệu tấn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhận định, nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và có thể ở mức cao nhất thế giới trong năm 2024. Song, chỉ đến tháng 5, thậm chí tháng 4/2024 sẽ không còn cà phê trong dân để doanh nghiệp thu mua do nguồn cung sụt giảm.
Dự báo xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD trong năm 2024
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Thời gian gần đây trong bối cảnh thế giới khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao, Việt Nam lại đang bước vào chính vụ thu hoạch, ngành cà phê kỳ vọng sẽ có mùa kinh doanh sôi động cuối năm. Đặc biệt, hướng tới xuất khẩu bền vững, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn, chiếm khoảng 5,4% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ vừa qua. Kim ngạch khoảng 510 triệu USD, chiếm khoảng 12,5%.
Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
Đáng chú ý, ngay ở đầu niên vụ 2023/2024, giá cà phê nhân Việt Nam đã ở mức 60.000 đồng/kg. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Với dự báo giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, mức kim ngạch xuất khẩu từ 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2024 là trong tầm tay.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể, trong đó có việc đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời gia tăng được tỉ lệ chế biến sâu.
VTV dẫn nguồn Cục Trồng trọt, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê. Tuy nhiên trong đó chưa tới 1/4 diện tích đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận chuẩn quốc tế.
Theo các doanh nghiệp, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
Trúc Chi (t/h)