Chứng khoán và trái phiếu châu Âu đối mặt với rất nhiều vấn đề trong những năm gần đây, nhất là khi xung đột quân sự, khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng. Đến nay, mọi thứ đang cải thiện.
Chỉ số cổ phiếu DAX của Đức đã tăng 14% kể từ đầu tháng 11. Lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 3,5% trong tháng 10 xuống 2,6%. Lợi suất trái phiếu Italy cũng giảm từ 5% xuống dưới 4%. Lợi suất trái phiếu giảm phản ánh niềm tin vào nền kinh tế tăng lên.
Nhà đầu tư lạc quan một phần vì lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, tâm trạng của họ cũng phản ánh một thực tế nghiệt ngã hơn. Đó là nền kinh tế châu Âu đã yếu đến mức chắc chắn việc cắt giảm lãi suất sẽ không còn xa nữa.
Hôm 14/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần thứ hai liên tiếp giữ nguyên lãi suất ở mức 4%. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng cho eurozone từ 0,7% xuống 0,6% năm nay. Tăng trưởng năm tới có thể giảm từ 1% về 0,8%.
Và trái với kỳ vọng của giới đầu tư, ECB cũng chưa nghĩ đến việc sẽ giảm lãi suất thời gian tới. Dự báo mới nhất của ECB cho rằng lạm phát dự kiến đạt trung bình 5,4% năm nay, và còn 2,7% vào 2024. Trong khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra các bình luận ôn hòa, mở cơ hội cho việc cắt giảm lãi suất thời gian tới thì Chủ tịch ECB Christine Lagarde tiếp tục "diều hâu".
Trong phát biểu gần nhất, bà kiên quyết loại bỏ những cân nhắc giảm lãi suất, và duy trì lộ trình đưa lạm phát trở lại ngưỡng mong muốn là 2%. "Chúng ta tuyệt đối không nên hạ cảnh giác", bà Lagarde khẳng định.
Xua tan lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế, bà Lagarde cho rằng thị trường lao động vẫn vững mạnh, với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và kỳ vọng thu nhập thực tế tăng lên nhờ cuộc khủng hoảng năng lượng đi qua và hồi phục các biện pháp tài khóa.
Tuy nhiên, theo Economist, nền kinh tế châu Âu đang suy yếu nhanh chóng, với hai vấn đề quan ngại trong việc hoạch định chính sách tiền tệ thời gian tới.
Đầu tiên là tăng trưởng tiền lương. Ban đầu, lạm phát được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng và chuỗi cung ứng khó khăn, đẩy giá hàng hóa lên cao. Do các thỏa thuận lương giữa các công đoàn và giới chủ thường chốt theo giai đoạn nhiều năm, nên lương và giá dịch vụ mất thời gian hơn để phản ứng.
Đến quý III, tiền lương thực tế của Đức đã giảm xuống gần bằng mức của năm 2015 nhưng hiện tại đã khôi phục những gì đã mất. Tương tự, mức lương theo thỏa thuận tập thể ở Hà Lan tăng 7% trong tháng 10 và tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, ngay cả khi lạm phát dao động quanh mức 0. Tăng trưởng tiền lương chung ở các nước khu vực đồng euro là khoảng 5%.
Nếu tốc độ tăng lương này duy trì, lạm phát có thể tăng lên vào năm 2024 - nỗi lo lớn nhất của ECB. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy đà tăng lương bắt đầu giảm tốc. Hơn nữa, tăng trưởng tiền lương không phải lúc nào cũng dẫn đến lạm phát. Năm 2022, lợi nhuận doanh nghiệp tăng vọt nhờ nhu cầu cao và tiền lương thấp. Nhưng nay, một số dấu hiệu cho thấy lợi nhuận đang thu hẹp.
Điều thứ hai là sức khỏe của nền kinh tế. Eurozone đang vật lộn với nhu cầu quốc tế yếu, bao gồm cả từ Trung Quốc và giá năng lượng cao. Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy cả sản xuất và dịch vụ đều đang co lại một chút.
Bùng nổ tiêu dùng ở nhiều nơi châu Âu đã giảm dần. Lãi suất cao đang đè nặng lên những khoản mua sắm được tài trợ bằng nợ. Trong khi, những người đang có các khoản vay thế chấp thì dè sẻn để chi trả tiền góp ngân hàng mỗi tháng.
Đáng lưu ý, những thay đổi về lãi suất ảnh hưởng đến nền kinh tế với độ trễ đáng kể. Tác động đầy đủ của sự thay đổi về lãi suất thường mất một năm hoặc hơn để cảm nhận được. Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của các đợt ECB tăng lãi suất trước đây vẫn chưa phản ánh đầy đủ. Có thể những người làm chính sách đã siết chặt quá nhiều, theo Economist.
Để tránh đẩy nhu cầu tiếp tục lao dốc, Davide Onegliais, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu TS Lombard cho rằng các nhà hoạch định chính sách của ECB cần tiến gần đến mức lãi suất trung lập của khối, nằm trong khoảng từ 1,5% đến 2%. Theo ông, nếu họ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm có thể tránh phải cắt giảm quá mạnh trong mùa hè 2024.
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát tháng 1 sẽ biến động. Điều này bởi chương trình trợ giá năng lượng do các chính phủ châu Âu tung ra trong đợt khủng hoảng khí đốt vừa qua dần kết thúc. Nếu giá cả lại tăng tốc, ECB có thể thận trọng hơn.
Trong khi đó, dữ liệu về tiền lương - một căn cứ khác để cân nhắc chính sách tiền tệ - thường được công bố với độ trễ khá lớn. Đó là lý do tại sao các nhà kinh tế cho rằng khó kỳ vọng ECB cắt giảm lãi suất cho đến tháng 6,/2024, tức muộn hơn nhiều so với những gì đang diễn ra trên nền kinh tế. Theo Economist, ECB đã quá chậm chạp trong việc phản ứng với lạm phát tăng. Bây giờ, họ lại đối mặt với rủi ro của việc quá chậm chạp trong việc giảm lãi suất.
Phiên An (theo Economist, Euronews)