Tuần trước, Tesla khiến thế giới chú ý khi tuyên bố triệu hồi gần như toàn bộ số xe Tesla ở Mỹ. Các chủ xe được yêu cầu đưa phương tiện của mình tới đại lý để cập nhật phần mềm. Hãng cũng cho biết đang nghiên cứu việc cập nhật phần mềm trực tuyến để người dùng có thể dễ dàng thực hiện thao tác trên chiếc xe của mình.
Tuy nhiên, Tesla chưa bao giờ nhận mình sai. Trước thời điểm diễn ra việc triệu hồi, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường Cao tốc quốc gia (NHTSA) của Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 2 năm nhằm vào hệ thống lái tự động của Tesla. Nhà chức trách cho rằng Autopilot là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn, trong đó có cả những vụ dẫn tới tử vong. Tesla phản đối luận điểm này.
Cuối cùng, Tesla và cơ quan quản lý đã ngồi lại với nhau, thống nhất rằng có những vấn đề cần khắc phục. Tesla sau đó đồng ý tự nguyện triệu hồi các phương tiện của mình để thực hiện một số thay đổi phần mềm. Động thái này được công ty của tỷ phú Elon Musk khẳng định là tự nguyện bởi họ chưa bao giờ đồng ý với luận điểm của NHTSA.
Triệu hồi xe không phải việc hiếm xảy ra ở Mỹ. Từ các doanh nghiệp mới nổi tới những cây đại thụ lâu năm trong ngành công nghiệp ô tô cũng thường xuyên thực hiện việc triệu hồi.
Theo số liệu của Forbes , hàng chục triệu chiếc xe đã được triệu hồi trong năm 2022. Cụ thể, Ford dẫn đầu với 67 chiến dịch, triệu hồi 8.636.265 xe. Volkswagen thực hiện 45 vụ, triệu hồi hơn 1 triệu xe. Mercedes-Benz thực hiện 33 vụ, triệu hồi 969.993 xe. General Motors thực hiện 32 vụ với 3.371.302 xe. Kia triệu hồi 24 vụ với 1.458.962 xe, Hyundai thực hiện 22 vụ với 1.452.101 xe.....
Bên cạnh việc khắc phục những vấn đề còn tồn tại, việc tự nguyện triệu hồi cũng là cách doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với khách hàng, khẳng định uy tín thương hiệu và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng. Dù có gây ra tổn thất cho doanh nghiệp nhưng triệu hồi không còn là điều cần giấu diếm.
Trong khi đó, Tesla cũng đang hướng tới một việc mà có lẽ chưa hãng xe nào làm được trước đây: Triệu hồi onlines. Khách hàng, thay vì phải tới trung tâm bảo trì, có thể tự mình cập nhật phần mềm cho chiếc xe tương tự như cách cập nhật phần mềm cho những chiếc điện thoại. Sự thông minh của xe điện mang tới một trải nghiệm đặc biệt cho người dùng.
Việc đưa xe tới các trung tâm bảo hành cũng không tốn quá nhiều thời gian khi thao tác được thực hiện trên phần mềm của chiếc xe chứ không phải phần cứng. Với cách thức này, xe điện cũng khó lỗi thời khi liên tiếp được bổ sung tính năng mới thông qua việc cập nhật, điều hoàn toàn trái ngược với những chiếc xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trở lại với vấn đề của Tesla, dù không thừa nhận lỗi nhưng việc sẵn sàng triệu hồi gần 2 triệu chiếc xe cũng cho thấy tiêu chuẩn cực cao của thị trường Mỹ. Tính tới thời điểm hiện tại, hệ thống tự lái của Tesla vẫn chưa bị buộc tội trong bất cứ sự cố nào nhưng rõ ràng, vẫn luôn có những cơ quan chức năng để mắt tới chất lượng các sản phẩm lưu hành trên thị trường nước này.
Và cho tới thời điểm hiện tại, Tesla vẫn chỉ chấp nhận triệu hồi xe của mình ở thị trường Mỹ trong khi các phượng tiện bán ở châu Âu, Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường. Điều đó một lần khẳng định tiêu chuẩn của thị trường Mỹ rõ ràng cao và chặt chẽ hơn so với phần còn lại của thế giới. Và các doanh nghiệp muốn bán xe ở thị trường Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng cho những đòi hỏi khắt khe này, thậm chí cả việc triệu hồi xe để những sản phẩm an toàn và đáng tin cậy nhất cho người tiêu dùng.
Chính bởi vậy, đối với Elon Musk, việc triệu hồi 2 triệu chiếc Tesla vẫn không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng với đế chế của vị tỷ phú nổi danh ngông cuồng. Tuy nhiên, thời điểm việc triệu hồi xảy ra có vẻ không thuận lợi với Musk, người đang phải vật lộn với một loạt vấn đề sản xuất, bán hàng và các vấn đề khác ở Tesla trong khi mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cũng đối mặt nhiều sóng gió.
Nguồn: Tổng hợp