Ngày 19-12, Tuổi Trẻ Online đến ghi nhận thực tế tại công trình xây dựng tuyến cao tốc trục ngang dài nhất miền Tây - Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đã qua 6 tháng thi công, tại điểm đầu của dự án (Km0+314, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn không thay đổi gì nhiều.
Tại gói thầu số 42 do liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty Cổ phần thiết bị 624 phụ trách ngoài những cái hố lớn "đói" cát, thiết bị, máy móc đều im lìm. Chỉ lác đác vài nhóm công nhân đóng cừ tràm gia cố nền móng.
Vào sâu công trình vài trăm mét, xung quanh vẫn là ruộng lúa, cỏ mọc um tùm. Người dân vẫn lùa vịt qua lại, giăng lưới bắt cá. Trên con đường công vụ, 2-3 chiếc xe ben chạy đi "mót" từng xe đất, cát một để đắp đường.
Nét mặt căng thẳng, trung tá Lê Xuân Đại - giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) - cho hay đơn vị phụ trách thi công 87% giá trị hợp đồng gói thầu số 42, tổng chiều dài gần 17km đường, 5 cầu và 62 cống…
"Bây giờ chưa dám bàn đến nguồn cát san lấp nền. Để tiếp cận được công trường, đầu tiên phải có đường công vụ để đưa thiết bị, máy móc vào thi công. Do không có cát đá, 6 tháng qua chúng tôi chỉ làm được 6km/13km đường công vụ", trung tá Đại nói.
Vừa qua, các nhà thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phải mua cát đắp đường công vụ với giá thương mại rất đắt. Gói thầu 42 từng được phân bổ 3 mỏ cát thương mại nhưng hiện nay hoàn toàn bị cắt đứt do đóng mỏ. Dẫn đến tình trạng không có cát thi công.
Trong năm 2023, Trường Sơn 11 tập trung 5 mũi thi công. Chủ yếu làm các công việc như đóng cọc thử và đóng cọc mố cầu đại trà.
"Chất lượng cát ở một số mỏ xấu, chiếm từ 15-43% bùn sét, gây thất thoát rất lớn cho công trình. Chúng tôi đang mót từng xe cát một ở mặt bằng lễ khởi công để đắp từng mét đường để tiếp cận thi công cầu. Rất khó khăn, không còn cách nào khác, tình hình rất căng thẳng", trung tá Đại bày tỏ.
Theo các nhà thầu, không riêng gì An Giang mà hiện nay ở các tỉnh miền Tây đều không còn nguồn cát thương mại phục vụ thi công cao tốc. Gói thầu 42 vừa được UBND tỉnh An Giang giao 2 mỏ cát với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3. Các mỏ này còn phải chờ nhiều thủ tục mới có thể khai thác.
Các gói thầu dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản đã xử lý xong bước bóc lớp đất hữu cơ, lắp sẵn ống bơm cát. Do không có cát, nhà thầu buộc phải tháo ống. Trong khi lớp cỏ, lúa tái mọc lại um tùm. Muốn thi công nền phải bóc lại từ đầu.
"Để đẩy nhanh tiến, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo ngành chức năng sớm bàn giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù. Để tháng sau nhà thầu có cát thi công. Mỗi ngày phải có ít nhất 7.400m3 cát về công trình, nếu không nguy cơ vỡ tiến độ là rất lớn", trung tá Đại kiến nghị.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188km, có 33 cây cầu. Tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng, toàn tuyến có 4 dự án thành phần qua 4 địa phương gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Dự án khởi công ngày 17-6-2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, khai thác năm 2027. Hiện dự án đang gặp khó do thiếu cát, đá, cát kém chất lượng. Riêng dự án thành phần 1 qua tỉnh An Giang được Chính phủ giao tỉnh này làm chủ đầu tư dài 57km. Tổng mức đầu tư 13.526 tỉ đồng, được chia làm 4 gói thầu xây lắp.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện mới được cung ứng khoảng 25% nhu cầu cát mỗi ngày nên Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp cung ứng cát cho dự án.