Tập hợp tổ chức theo "trend" tình nguyện tự phát
Với chủ đề "Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", các đại biểu tại tổ thảo luận số 8 tập trung đề xuất giải pháp gia tăng hàm lượng tri thức, chuyển đổi số, sáng tạo gắn với chuyên môn, thế mạnh của sinh viên trong hoạt động tình nguyện.
Cùng đó là đưa ra giải pháp để phát huy vai trò của tổ chức Hội trong đoàn kết, tập hợp các loại hình tình nguyện tự phát trong sinh viên và thu hút các nguồn lực xã hội trong các hoạt động tình nguyện; những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể về cơ chế, chính sách cho sinh viên tình nguyện.
Góp tiếng nói từ cơ sở Hội, bạn Nguyễn Thị Quỳnh Nga - phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Hàng hải, Hải Phòng - nêu ra giải pháp nâng cao nhận thức của sinh viên và cộng đồng về công tác tình nguyện, trong đó chú trọng truyền thông để mỗi sinh viên nhận thấy giá trị của các hoạt động tình nguyện là mang đến giá trị cho cộng đồng và mang lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.
"Khơi dậy lòng nhân ái trong mỗi cán bộ, hội viên để thúc đẩy, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng" - Nga nói.
Nêu thực tế hiện nay có rất nhiều tổ chức tình nguyện tự phát, nhiều "trend" tình nguyện trên mạng xã hội, thu hút không ít bộ phận sinh viên tham gia. Bạn Nguyễn Thành Đăng Khoa, sinh viên tỉnh Đồng Nai, cho rằng tổ chức Hội cần định hướng và quan tâm đến các hoạt động này vì nếu thiếu định hướng có thể bị lợi dụng, và dễ rủi ro.
"Hội sinh viên các cấp quan tâm đến các hoạt động tình nguyện tự phát, để các hoạt động tình nguyện mang lại hiệu quả và để lại hình ảnh đẹp nhất trong cộng đồng" - Khoa nói.
Bạn Trịnh Anh Hào (Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên) góp ý Hội sinh viên cấp tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ với Hội sinh viên, Đoàn thanh niên các tỉnh thành đoàn để có sự điều phối và kết nối các nguồn lực tình nguyện.
Từ đó, Hội xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình, hoạt động tình nguyện phù hợp, thiết thực, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội, thu hút đông đảo hội viên sinh viên tham gia.
Sinh viên ngoài nước gặp khó với các tiêu chí 5 tốt
Bạn Nguyễn Hoàng Bảo Việt, sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, gọi phong trào "Sinh viên 5 tốt" là một trong những phong trào "xương sống" của Hội Sinh viên Việt Nam. Những tiêu chí của phong trào này như một thước đo cho tiêu chuẩn của một sinh viên phát triển toàn diện.
"Liệu chúng ta có thể nghiên cứu để cụ thể hóa những tiêu chí của phong trào 5 tốt thành một chương trình rèn luyện hội viên hay không?", Bảo Việt nói.
Ngoài ra, Việt nghĩ rằng bên cạnh việc quan tâm "5 tốt" thì cần phải tập trung, quan tâm thêm những sinh viên 3 tốt, 4 tốt. Có một thực tế phải nhìn nhận khi mà các tiêu chí, tiêu chuẩn Sinh viên 5 tốt các cấp không phải đơn giản, không dễ để các bạn đạt được. Vì vậy, Hội Sinh viên cũng cần có một hình thức ghi nhận, tiếp động lực cho các bạn.
Bạn Nông Khắc Duy, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, cho hay khi triển khai phong trào Sinh viên 5 tốt thì nhận thấy khối sinh viên ngoài nước đang gặp khó khăn.
Cụ thể, Duy nói hiện có 3/5 tiêu chí mà sinh viên ngoài nước đang gặp khó. Đầu tiên là tiêu chí tình nguyện, cụ thể với tiêu chí đánh giá về thời gian và nội dung, chương trình tham gia các hoạt động tình nguyện.
Khó khăn thứ hai mà Duy đề cập liên quan đến các hoạt động hội nhập, tham gia vào các chương trình giao lưu văn hóa để lan tỏa văn hóa Việt đến sinh viên thế giới. Dẫn giải, Duy cho rằng các chương trình giao lưu văn hóa thường do các đại sứ quán tổ chức và hầu như mỗi năm chỉ tổ chức được một hoặc hai sự kiện.
"Không phải ở nước nào cộng đồng người Việt cũng hoạt động hiệu quả và có nhiều chương trình như vậy. Vì vậy, khối sinh viên Việt Nam tại nước ngoài sẽ khó đạt được tiêu chí này", Duy nói.
Riêng với tiêu chí thể lực tốt, Duy cho rằng vì khác nhau về văn hóa hoặc hình thức tổ chức khác mà ở nước ngoài ít tổ chức các hội thao. Một số thời điểm, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary đã đứng ra tổ chức một số hội thao sinh viên giúp các bạn đạt được các chứng nhận, hoàn thành các tiêu chí. Tuy nhiên, điều Duy cần đó là việc Hội Sinh viên có thể cụ thể hóa bằng văn bản, bộ hướng dẫn.
Bạn Hồ Ngọc Quỳnh Nhi, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan, cho biết hiện nay có một thực tế là sinh viên Việt Nam nhận được học bổng nước ngoài, tuy nhiên lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, thông tin và kỹ năng khi sống ở nước ngoài. Từ đó dẫn đến việc các bạn không thể đảm bảo được việc học nên phải về nước, hoặc tệ hơn phải sống ở nước ngoài không hợp pháp, lại không đảm bảo được việc học.
"Qua đây tôi rất mong muốn được kết nối với các Hội Sinh viên ngoài nước và trong nước, từ đó hỗ trợ thêm cho những bạn nào có ý định đi du học sẽ hình dung được những gì khi đi du học", Quỳnh Nhi nói.
Chiều 19-12, 695 đại biểu bước vào 10 tổ thảo luận góp ý vào văn kiện và thảo luận về 10 chủ đề.
Đó là các chủ đề "Sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học"; Sinh viên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất"; "Sinh viên chủ động hội nhập quốc tế"; "Xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh"; "Sinh viên tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị".
Các đại biểu cũng thảo luận về chủ đề "Sinh viên vun đắp lý tưởng, đạo đức"; "Sinh viên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc"; "Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng"; "Sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp"; "Sinh viên tiên phong chuyển đổi số".
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20-12 tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị (thủ đô Hà Nội).
Đại hội có sự tham gia của gần 700 đại biểu đến từ 30 hội sinh viên Việt Nam các tỉnh, thành phố, 39 hội sinh viên Việt Nam các trường trực thuộc trung ương và 13 hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự phiên trọng thể tại Đại hội sáng 19-12 và có chỉ đạo quan trọng cho đường lối của Hội Sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ XI.
Phát huy truyền thống 73 năm hình thành và phát triển, Hội Sinh viên Việt Nam trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã phấn đấu, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.