Ngày 19-12, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), khoảng 10h, tại khu vực bếp ăn bán trú, bà Xin Thị Tính cùng chồng (nhân viên nấu ăn nhà trường) đang thái thịt heo, chia canh bí nấu xương ra 17 xoong, nồi để các học sinh chuẩn bị bữa ăn trưa.
Vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì chan cơm: Bữa ăn nay đã có trứng, thịt heo, bí đỏ
Theo bảng thực đơn và công khai tài chính tại bếp ăn cho 173 học sinh bán trú ngày 19-12, bữa sáng mỗi em có một gói mì tôm và một quả trứng. Bữa trưa, các em sẽ có 10kg thịt heo, 9kg xương heo và 20kg bí đỏ. Bữa tối có 5kg thịt heo, 14kg giò cá, 16kg bí đỏ... Tương ứng, giá trị buổi sáng là 7.000 đồng/em, bữa trưa 14.000 đồng/em và bữa tối 13.285 đồng/em.
11h trưa, sau tiếng trống tan trường, hơn 170 em học sinh ùa xuống bếp ăn bán trú. Mỗi bàn ăn có hai đến ba học sinh phụ trách chia đều thịt heo và canh bí nấu xương vào từng tô cơm.
Khoảng 11h15, sau khi đông đủ, các học sinh đồng thanh hô to mời thầy cô, mời các bạn ăn cơm.
Sau chừng 20 phút, hầu hết học sinh đã ăn hết veo tô cơm chan canh bí nấu xương và thịt heo. Khi được hỏi, các em đều nói "em ăn no rồi, ăn ngon ạ".
Về bữa sáng, một nam học sinh lớp 3 cho biết sáng qua được ăn cơm với bắp cải, thịt heo. Còn sáng nay, mỗi bạn ăn một gói mì tôm cùng một quả trứng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-12, ông Ngô Xuân Dũng - phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 - cho biết sau những phản ánh của báo chí về khẩu phần ăn bán trú của học sinh nghi bị cắt xén, ban giám hiệu nhà trường, ban chấp hành công đoàn đã tổ chức họp để rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý, chỉ đạo đối với học sinh, giáo viên về công tác bán trú (chế độ ăn, ngủ nghỉ và vệ sinh) và nề nếp dạy và học.
Về phía đơn vị cung cấp thực phẩm cho học sinh, ban giám hiệu nhà trường họp với hội đồng nhà trường, tổ chức lấy ý kiến, xây dựng cách làm phù hợp với thực đơn hằng ngày của học sinh để đưa ra khẩu phần ăn tốt nhất. Kiểm soát khâu xuất, nhập và chế biến thực phẩm chặt chẽ theo quy trình.
"Đến nay bếp ăn được củng cố và duy trì tốt hơn, thành nề nếp", ông Dũng nói.
Thay vì mỗi em được 1 gói mì tôm và 1 quả trứng, 11 học sinh phải tranh nhau 2 gói mì tôm pha loãng. Đóng tiền ăn bán trú 40.000 đồng/suất nhưng chất lượng chưa tới 15.000 đồng...