Dòng chảy ngoại giao Việt Nam trong mạch kế thừa và phát triển
Những phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đã nhận được nhiều đồng cảm và tán thành từ các nhà ngoại giao Việt Nam. Là những người đang trực tiếp hiện thực hóa các nguyên tắc và sách lược ngoại giao mà Đảng và Nhà nước đã xác lập, các nhà ngoại giao đã chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ về góc nhìn của họ được gợi mở từ bài nói chuyện của Tổng bí thư.
Những phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đã nhận được nhiều đồng cảm và tán thành từ các nhà ngoại giao Việt Nam. Là những người đang trực tiếp hiện thực hóa các nguyên tắc và sách lược ngoại giao mà Đảng và Nhà nước đã xác lập, các nhà ngoại giao chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ về góc nhìn của họ được gợi mở từ bài nói chuyện của Tổng bí thư.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng:
Trước hết, cây tre có thân chắc, cành mềm uyển chuyển. Như vậy ngoại giao cây tre tức là giữ vững những nguyên tắc và có thể linh hoạt.
Chúng ta làm rõ với các nước, các đối tác về những lợi ích căn bản của đất nước, những giá trị mà Việt Nam theo đuổi và sẽ không thay đổi, chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ nhưng cũng linh hoạt với những gì phù hợp với xu thế.
Khi các nước hiểu được đâu là các nguyên tắc mà Việt Nam theo đuổi, những gì Việt Nam có thể linh hoạt thì khả năng hợp tác đến đâu cũng được làm rõ. Chính sách đối ngoại của chúng ta rõ ràng thì việc hợp tác cũng trở nên dễ dàng hơn.
Khi Mỹ muốn đẩy mạnh, nâng cấp quan hệ với Việt Nam thì trước hết phải tôn trọng những gì mà Việt Nam coi là nguyên tắc, những giá trị của Việt Nam. Sau đó hai bên đã đi đến việc hợp tác, đáp ứng lợi ích của hai bên tùy từng hoàn cảnh, tùy từng thời điểm.
Chính sự chắc chắn về chiến lược, về lợi ích và sự uyển chuyển trong cách thức ngoại giao đã tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện được quan điểm của mình và có những điều phù hợp với xu thế chung. Như vậy chúng ta có thêm bạn, có thêm đối tác.
Trong thời bình, ngoại giao cần đi đầu để tạo môi trường thuận lợi hơn, phát huy nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển. Đồng thời ngoại giao cũng rất cần sự toàn diện, không chỉ tập trung vào một lĩnh vực. Khi tập trung cho phát triển thì chúng ta phải toàn diện, tập trung cả ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài. Không nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ nào.
Đại sứ Vũ Hồ (quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam):
Bài nói chuyện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị lấy câu chuyện nền ngoại giao Việt Nam là ngoại giao cây tre, xuất phát từ khu vực, từ các nước láng giềng dần dần mở rộng ra những đối tác lớn bên ngoài.
Chúng ta có thể thấy việc đầu tiên của ngoại giao là phục vụ cho hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh, không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực. Định hướng rất rõ ràng của ngoại giao hiện nay là bảo đảm môi trường ổn định, tìm ra phương thức, phương cách cụ thể để đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực, từ đó tìm ra đường hướng phát triển.
Sự phát triển của nền đối ngoại Việt Nam dựa trên thành quả hoạt động đối ngoại của đất nước trong suốt thời kỳ đổi mới, cũng như suốt thời kỳ từ khi lập nước đến nay. Không có thành quả đối ngoại nào mà không dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách của Đảng, Nhà nước, không dựa trên sự phát triển, chuyển động của khu vực, quốc tế.
Chúng tôi cho rằng đối ngoại Việt Nam phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc để từ đó có thể vươn lên, chuyển hóa, biến khẩu hiệu thành hiện thực, biến cảm xúc thành hành động. Đấy là một điểm tôi thấy phát biểu của Tổng bí thư hết sức chính xác. Những chỉ đạo của Tổng bí thư hoàn toàn dựa trên thực tế phát triển của quốc gia, dân tộc và nền đối ngoại Việt Nam trong thời đại mới.
Bất cứ quốc gia nào muốn tồn tại được đều phải dựa vào quan hệ với các nước láng giềng, để phục vụ cho mục tiêu cao cả nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc. Quan hệ của Việt Nam với ASEAN, với các nước thành viên ASEAN nói riêng và hoạt động của Việt Nam trong ASEAN nói chung đều nhằm mục tiêu cao cả nhất là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở đó, quan trọng nhất là xây dựng, thiết lập lòng tin, đảm bảo đối thoại và hợp tác là công cụ chủ yếu trong hoạt động của Việt Nam trong ASEAN và trong quan hệ của Việt Nam với từng nước thành viên.
Lợi ích quốc gia, dân tộc có điểm trùng, điểm khác nhưng đều dựa trên luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế và các chuẩn mực trong hành xử quốc gia là căn bản để triển khai đối ngoại, không chỉ trong ASEAN mà còn cả trong quan hệ của Việt Nam với các nước bên ngoài khu vực.
Quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và quốc tế đều dựa trên sự hòa hiếu, tinh thần đối thoại và hợp tác. Trong suốt thời từ đổi mới đến nay, chúng ta đều lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ, cơ sở cho đối ngoại Việt Nam.
Tất cả các hoạt động đối ngoại cũng như chuyến thăm của các nước đến Việt Nam đều thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực đang dần được nâng cao, củng cố. Từ đó có thể thấy sự đổi mới chính sách của Đảng, Nhà nước chưa bao giờ đi ra ngoài mục tiêu chính là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy đối thoại và hợp tác, lấy hòa bình và hòa hiếu làm cơ sở căn bản cho đối ngoại Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng:
Chia sẻ của Tổng bí thư khiến những người làm nghề phấn khởi, vì Đảng, Nhà nước đã ghi nhận được thành tựu của ngành ngoại giao trong năm qua. Đấy là nỗ lực, cố gắng hết sức của anh em trong ngành ngoại giao.
Chúng ta đã vượt qua những biến cố, khó khăn của đất nước nói chung và của ngành ngoại giao nói riêng, đồng thời có thành tựu đối ngoại hết sức tuyệt vời.
Những phát biểu, động viên của Tổng bí thư cũng như của các đồng chí lãnh đạo là nguồn động lực cho chúng tôi trong năm tới và những năm tiếp theo.
Chúng tôi sẽ có thêm động lực để phục vụ, đưa ra những chính sách đối ngoại tốt nhất cho đất nước, làm sao để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa và tạo ra môi trường hòa bình phục vụ phát triển đất nước.
Xem thêm: mth.96902628002213202-coun-tad-neirt-tahp-ed-iaogn-neb-cul-nougn-gnod-yuh/nv.ertiout