Do tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, mỹ phẩm không đạt chất lượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trước đây, Bộ Y tế đã ban hành quy chế và nhiều văn bản về mỹ phẩm nhưng hiện vẫn chưa có quy định quản lý trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Theo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử sẽ phải đáp ứng đủ điều kiện về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, công bố sản phẩm... Hình thức kinh doanh này thuộc Bộ Công Thương quản lý, do đó, Bộ Y tế đề xuất giao Bộ Công Thương xây dựng quy định cụ thể.
Kinh doanh mỹ phẩm rất phổ biến trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Hotdeal, LotteMart... Đây cũng là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại Việt Nam. Các sản phẩm kém chất lượng cũng đến tay người tiêu dùng nhanh hơn.
Cơ quan quản lý là Bộ Y tế thừa nhận khó kiểm soát tình trạng giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Bộ này gặp nhiều khó khăn trong quản lý do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.
Trong khi đó, tại một số địa phương, cơ quan kiểm tra chưa phối hợp chặt chẽ hoặc có lập đoàn kiểm tra liên ngành về mỹ phẩm với sự tham gia của Công an kinh tế, Quản lý thị trường và Sở Y tế nhưng chưa thường xuyên.
Theo quy định hiện hành, cá nhân buôn bán mỹ phẩm online không cần đăng ký kinh doanh và không cần phải cung cấp thông tin liên quan đến dịch vụ, hàng hóa, tình hình hoạt động. Việc đăng ký mới chỉ áp dụng với mô hình hộ gia đình hoặc doanh nghiệp.
Bộ Y tế cho rằng, nếu có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ góp phần phát triển ngành này trên thương mại điện tử. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể tăng đầu tư cho công nghệ thông tin, số hóa hệ thống phân phối; giảm các chi phí vận hành so với mô hình truyền thống.
Ngược lại, Bộ này cũng nhìn nhận tác động tiêu cực là có thể phát sinh thêm chi phí cho công tác thanh tra, hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp cũng sẽ cần thêm chi phí. Thông thường doanh nghiệp sẽ mất 2-3% chi phí bán hàng cho mỗi đơn hàng thành công. "Các chi phí vận hành như vậy sẽ được tính vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho doanh nghiệp, người dân", Bộ Y tế nhìn nhận.
Bộ này cũng lưu ý các doanh nghiệp có thể phải đối mặt cạnh tranh không lành mạnh từ các đơn vị kinh doanh sản phẩm không bảo đảm khác. Trong quá trình vận hành, doanh nghiệp có thể gặp các trục trặc kỹ thuật như lỗi kết nối, bị chiếm đoạt quyền điều hành website, webisite giả mạo....
Về phía người mua hàng, khi thương mại điện tử phát triển, thông tin của họ có thể không được bảo mật. Người mua hàng cũng có thể bị doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm không đúng, tư vấn không đầy đủ hoặc không phân biệt được trang/sàn thương mại điện tử nào được giao dịch một cách hợp pháp, chính thống.
Phương Dung