Những bài học khủng hoảng từ các thị trường chỉ ra rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất không phải chạy theo doanh thu, mà là cung cấp dịch vụ tốt, đặc biệt là dịch vụ bồi thường. Một nhiệm vụ quan trọng khác là nâng cao chất lượng đào tạo, tái đào tạo đại lý/tư vấn viên bảo hiểm. Việc bán bảo hiểm phải được thực hiện bởi những người tư vấn đúng đắn cho khách hàng và gắn bó dài lâu với nghề để phục vụ khách hàng chu đáo, chứ không chỉ muốn hoa hồng cao rồi bỏ việc.
Ngoài hai yếu tố trên, trong bối cảnh doanh thu phí liên tục giảm, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang tăng cường hợp tác với các đối tác phân phối sản phẩm, mở rộng kênh bán hàng… và xem đây là động lực tăng trưởng mới.
Chẳng hạn, nằm trong chiến lược mở rộng kênh phân phối, Chubb Life Việt Nam vừa bắt tay với HP Life Insurance - một đơn vị tư vấn tài chính và bảo hiểm tại Việt Nam, để phân phối các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết chung Kế hoạch tài chính linh hoạt, Kế hoạch tài chính trọn đời - Quyền lợi cao niên và sản phẩm bảo hiểm bổ sung Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe Chubb Care.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang tăng cường hợp tác với các đối tác phân phối sản phẩm, mở rộng kênh bán hàng…
Trước đó, Chubb Life Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác để AVA phân phối 3 sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết chung gồm Kế hoạch tài chính linh hoạt, Kế hoạch tài chính trọn đời - Quyền lợi cao niên toàn diện và Kế hoạch tài chính tương lai.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, dù doanh thu phí mới mang đến cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chưa lớn, nhưng đại lý tổ chức đã trở thành một hình thức bán bảo hiểm quen thuộc. Hệ thống đại lý tổ chức là một trong những sự lựa chọn của nhiều khách hàng, đặc biệt là người mới tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ, bởi các tổ chức này sở hữu đội ngũ tư vấn chất lượng, cơ chế quản lý chặt chẽ, mạng lưới văn phòng rộng khắp… Do đó, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không ngừng tìm kiếm các đối tác uy tín, đầu tư nguồn lực phát triển kênh phân phối đại lý tổ chức, nhất là những doanh nghiệp có hệ thống đại lý và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) còn mỏng.
Vào tháng 8/2023, Hanwha Life Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Insurance. Theo đó, Việt Insurance phân phối toàn bộ sản phẩm của Hanwha Life Việt Nam, bao gồm bảo hiểm liên kết đơn vị LIFE FUN:D - Sống thỏa chất, bảo hiểm liên kết chung Tôi chọn an yên, An khang tài lộc, bảo hiểm chăm sóc y tế toàn cầu, bảo hiểm hỗ trợ viện phí toàn cầu và các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ sức khỏe khác.
Trong một động thái khác, FIMI đã trở thành đối tác chiến lược của Shinhan Life Việt Nam và triển khai bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trên các kênh phân phối của Công ty. Theo thỏa thuận, FIMI thực hiện tư vấn và giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Shinhan Life Việt Nam đến khách hàng của FIMI trên toàn quốc, từ dòng bảo hiểm tử kỳ đến các dòng bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hỗn hợp dành cho trẻ em.
Trước đó, Shinhan Life Việt Nam chủ yếu bán bảo hiểm qua ngân hàng và qua điện thoại (telemarketing). Trong đó, kênh bancassurance tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập cao, quan tâm đến việc quản lý tài sản và sản phẩm đầu tư. Đối với nhóm khách hàng trẻ hoặc chỉ có nhu cầu bảo vệ, Shinhan Life Việt Nam bán sản phẩm thông qua kênh telemarketing và qua các đối tác.
Theo ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors (TCA), mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ vàng. Cách đo lường thời kỳ vàng của ông Chung không phải là khi ngành ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng nhanh, mà vì thị trường hiện mới chỉ có khoảng 13 triệu người được bảo vệ bởi bảo hiểm trong tổng số hơn 100 triệu dân, đó là chưa kể phần đông trong số đó chưa được tư vấn phù hợp. Trong khi đó, các ca mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch… đang gia tăng, kéo chi phí y tế và nhu cầu bảo hiểm tăng lên đáng kể.
“Bởi vậy, bây giờ mới chính là thời kỳ vàng của ngành bảo hiểm”, ông Chung nói.
Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh thu ngành bảo hiểm dự kiến tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, quy mô đến năm 2025 đạt 3 - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, quy mô đến năm 2030 đạt 3,3 - 3,5% GDP. Bên cạnh đó, mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, đạt 5 triệu đồng vào năm 2030...
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam |
Ngay sau cơn khủng hoảng bancassurance, làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu như đợt sóng tiếp theo mang lại nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là giai đoạn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều đang chuẩn bị để đón nhận những đợt tăng trưởng bền vững hơn khi kinh tế toàn cầu ấm trở lại.
Khi thị trường chững lại, tốc độ phát triển của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều giảm, những doanh nghiệp đi trước giảm sâu hơn, khiến khoảng cách giữa họ với những người vào thị trường sau ngắn lại. Đó chính là cơ hội cho các doanh nghiệp vào sau. Thế nên, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm cần phải chuyển mình nhanh, nhưng quan trọng là phải đúng hướng.
Điều cơ bản quan trọng nhất là tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tỷ lệ người dân được bảo hiểm hiện ở mức thấp so với các nước trong khu vực, trong khi Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động cao, nên mối quan tâm tới bảo hiểm nhân thọ sẽ ngày càng lớn.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động khai thác sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cũng như nỗ lực cải thiện từ chính doanh nghiệp, tôi cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ sớm khôi phục niềm tin của khách hàng và phát triển bền vững hơn.
Ông Bae Seung Jun, Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam |
Thị trường Việt Nam hiện tại chỉ có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ nên trong thời gian tới dự kiến sẽ có nhiều người dân tham gia bảo hiểm hơn và cơ hội gia tăng cho các công ty bảo hiểm.
Thực tế, thị trường bảo hiểm đang dịch chuyển theo hướng tập trung vào quyền lợi của khách hàng nên trong tương lai, các doanh nghiệp cần phát triển danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu thực của khách hàng. Cùng với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, tôi cho rằng, các sản phẩm mang tính bảo vệ như bảo hiểm sức khỏe cũng sẽ được khách hàng quan tâm.
Ngoài ra, vai trò của người đại lý bảo hiểm (hay còn gọi là tư vấn tài chính) sẽ có nhiều thay đổi, nếu trước đây chỉ tập trung vào tư vấn sản phẩm bảo hiểm, thì hiện tại còn có thể tư vấn về tình trạng tài chính của cá nhân và gia đình khách hàng.
Shinhan Life Việt Nam đang chuẩn bị triển khai kênh đại lý bảo hiểm cá nhân (kênh FC) trong năm 2024, với định hướng tập trung vào chất lượng. Doanh nghiệp cũng sẽ tận dụng điểm mạnh của các công ty thành viên trong cùng Tập đoàn Tài chính Shinhan để liên kết, hợp tác cùng phát triển, cũng như gia tăng sự khác biệt trong sản phẩm so với các doanh nghiệp bảo hiểm khác.
Gia nhập thị trường muộn là một lợi thế của Shinhan Life, vì chúng tôi có thể phát triển từng bước, thay đổi linh hoạt theo sự dịch chuyển và theo quy luật phát triển của thị trường.