Vài năm qua, Wall Street luôn cho rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào cuối năm 2024. Thời gian này năm ngoái, nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng dự báo Mỹ sắp suy thoái.
Nhưng một năm sau, họ đồng loạt đảo ngược nhận định. Dù trên lý thuyết, không có điều gì là chắc chắn, khả năng Mỹ suy thoái trong ngắn hạn đang ngày càng thấp.
Vậy Mỹ đã tránh được suy thoái như thế nào?
20 tháng qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) làm mọi cách trong khả năng để kìm hãm kinh tế Mỹ, nhằm hạ nhiệt lạm phát. Họ hoàn toàn hiểu được rằng điều này có thể khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp.
Trong thời gian đó, họ nâng lãi suất 11 lần. Tuy nhiên, Fed đã không nâng lãi nhanh và mạnh như cách đây 40 năm. Thập niên 80, việc Fed nâng lãi suất lên quá cao đã đẩy nền kinh tế vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất 50 năm.
Fed cũng bán ra hàng nghìn tỷ USD trái phiếu đã mua trong vài năm qua. Việc này làm giảm nhu cầu trái phiếu chính phủ, đẩy lợi suất lên cao. Lãi suất vay tiêu dùng, vay mua nhà, lãi suất thẻ tín dụng và nhiều mức lãi khác vì thế cũng bị kéo lên theo, khiến thị trường bất động sản Mỹ sa sút. Địa ốc Mỹ đang trên đà ghi nhận năm tệ nhất kể từ 1993.
Dù vậy, sau gần hai năm thực hiện chính sách kìm hãm kinh tế, Fed đã làm được điều tưởng chừng không thể: kiềm chế lạm phát mà không đẩy Mỹ vào suy thoái.
Dĩ nhiên, tình trạng kinh tế Mỹ hiện tại không khiến tất cả mọi người hài lòng. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đi xuống. Tuy nhiên, số việc làm đang bùng nổ, người tiêu dùng vẫn chi tiêu. GDP Mỹ tăng tới 5,2% trong quý III. Đây là con số ấn tượng, nếu xét đến các sức ép mà Fed gây ra.
Tình hình lẽ ra đã có thể tệ hơn thế rất nhiều. CNN cho rằng thành tích ấn tượng hiện tại của Fed là nhờ cả sự khéo léo và may mắn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận ông không kỳ vọng nền kinh tế sẽ vững vàng như thế này trước chiến dịch nâng lãi kỷ lục.
"Sôi động" là nhận định xuyên suốt của giới chuyên gia về kinh tế Mỹ năm nay. Powell và các quan chức Fed dùng từ này để đánh giá về hệ thống ngân hàng, tiêu dùng, thị trường việc làm và nhiều mặt khác.
Giới phân tích cho rằng Fed có lẽ đã gặp một chút may mắn. Thị trường việc làm vẫn vững mạnh, một phần do các thay đổi từ trong đại dịch. Làn sóng nghỉ việc trong và sau đại dịch khiến các doanh nghiệp khát nhân lực. Họ phải nâng lương để thu hút người lao động mới. Các cuộc sa thải quy mô lớn vài năm qua cũng rất hạn chế, trừ lĩnh vực công nghệ.
Thị trường việc làm bùng nổ đã giúp Fed tiếp tục nâng lãi mà không nhấn chìm cả nền kinh tế.
Tiêu dùng cũng là một yếu tố may mắn khác. Từ năm 2021, người Mỹ đã chi tiêu mạnh tay. Ban đầu, họ được chính phủ hỗ trợ tiền mặt trong đại dịch. Sau này, họ mua sắm bù khi Mỹ bỏ phong tỏa.
Một báo cáo của Fed thậm chí đề cập đến tour diễn của nữ ca sĩ Taylor Swift hồi mùa hè, với vai trò chất xúc tác cho nền kinh tế. Việc mua sắm cuối năm, dù im ắng hơn so với trước đại dịch, cũng vẫn rất sôi động.
Kể cả tin xấu cũng phần nào giúp Mỹ tránh suy thoái. Cuộc khủng hoảng ngân hàng địa phương hồi tháng 3 ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ đến mức Fed phải giảm tốc nâng lãi suất. Điều này đã giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản.
Dù vậy, Fed cũng xứng đáng được ghi nhận công sức vì đã có chính sách phù hợp. "Phần lớn mọi người không nghĩ đến việc chẳng có chính sách nào thay thế được. Năm ngoái, ai cũng cho rằng để đạt mức lạm phát như hiện tại, xác suất Mỹ suy thoái và thất nghiệp hàng loạt sẽ là 100%", Lael Brainard - cựu Phó chủ tịch Fed nhận định trên CNN hôm 15/12.
Bruce Kasman - Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế tại JPMorgan - cũng nằm trong số ít người năm ngoái phủ nhận các dự báo suy thoái. Ông giải thích, năm ngoái JPMorgan không đưa ra dự báo suy thoái vì thấy sự tích cực khi nhìn tổng thể, cú sốc giá hàng hóa đã giảm bớt. Chính sách tài khóa của Mỹ cũng tích cực. "Tôi cho rằng không nhiều người thực sự đánh giá cao điều đó. Đặt chúng cạnh nhau, sẽ không có cảm giác là nền kinh tế dễ tổn thương đâu", ông nói.
Bất chấp chỉ trích từ nhiều phía, Fed đến nay vẫn kiên quyết chống lạm phát. Dù giá cả vẫn cao hơn 2 năm trước, lạm phát hiện tại chỉ còn 3,1% - giảm so với đỉnh 9,1% năm ngoái. Mục tiêu của Fed là đưa lạm phát về 2% trước năm 2026.
Nếu Fed chuyển hướng chính sách, giá cả có thể tăng tốc trở lại. Nhưng nếu tiếp tục tăng lãi lên quá cao, kinh tế Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn.
Trong 60 năm qua, Fed chỉ mới một lần thành công giúp kinh tế Mỹ hạ cánh mềm - nâng lãi suất mà không gây ra suy thoái. Lần này, Brainard cho biết công việc của Fed vẫn chưa hoàn tất. "Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Còn một số sản phẩm người Mỹ vẫn thấy ngoài khả năng chi trả", bà nói.
Gần đây, Powell cũng nói với một nhóm sinh viên rằng bữa tiệc lớn của ông sẽ diễn ra khi nhận được "một báo cáo lạm phát thực sự tốt". Từ giờ đến lúc đó, chủ tịch Fed có lẽ sẽ phải tiếp tục hồi hộp với các số liệu hàng tháng.
Hà Thu (theo CNN)