Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết theo quy định của Bộ Chính trị, hằng năm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải tổ chức đối thoại với dân để lắng nghe, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người dân.
Ông An cho rằng đây là cơ hội quý để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bản thân người đứng đầu cũng tích lũy được kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Ông Dương Văn An cho biết, năm 2023, Bình Thuận có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội tương đối khá; tăng trưởng trên cả 3 trụ cột theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, năm qua ngành du lịch Bình Thuận nằm trong top các tỉnh có doanh thu về du lịch lớn nhất cả nước.
Bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn những hạn chế yếu kém, một số nơi còn xảy ra tình trạng trì trệ trong giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, gây bức xúc dư luận.
Mở rộng TP.Phan Thiết ra sao sau 14 năm quy hoạch treo?
Một cử tri xã Hàm Hiệp cho rằng, quy hoạch mở rộng TP.Phan Thiết tới thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp đã có từ 14 năm nay nhưng vẫn chưa triển khai.
Người dân trong thôn muốn xây dựng, sửa chữa nhà cửa đều không được do vướng quy hoạch. "Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, đề nghị nếu không sử dụng quy hoạch này nữa thì xóa bỏ, để dân được sửa chữa, xây dựng nhà cửa", cử tri nêu.
Người dân xã Thuận Minh cho biết, hệ thống kênh mương bị bồi lấp do đã sử dụng nhiều năm nhưng không có kinh phí sửa chữa. Trạm bơm Ku Kê hoạt động không hiệu quả, gần 700 ha lúa của người dân thiếu nước sản xuất, gây khó khăn trong sản xuất lúa. Hơn 25 ha đất cấp cho dân ở thôn Ku Kê cằn cỗi, thiếu nước không canh tác gì được.
Trong khi đó, kênh chính Sông Quao thi công chưa hoàn chỉnh, kéo dài nhiều năm khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp khó.
Đường giao thông vào thôn Trũng Liêm hư hỏng, chỉ dài 7 km nhưng chậm sửa chữa, giao thông đi lại của người dân khó khăn.Các đường gom dân sinh, đường ĐT 711 hư hỏng, xuống cấp nặng do việc thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết nhưng vẫn chưa hoàn thiện việc sửa chữa.
"Cho bà con thứ không sử dụng được thì có ý nghĩa gì"
Về y tế, bà con xã Hàm Chính, xã Hàm Trí và thị trấn Ma Lâm phản ánh tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu thiết bị y tế, người tham gia bảo hiểm y tế bị gây khó trong khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Đa số ý kiến của người dân vẫn là tình hình đất đai, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở nông thôn đều rất chậm. Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các trang trại nuôi heo chậm được xử lý.
Ông Thông Minh Toàn, một vị chức sắc của người Chăm ở xã Hàm Trí cho rằng, nhiều em học sinh sau khi học hết THCS nhưng không được vào học Trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh...
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng ghi nhận ý kiến của người dân, giao các sở, ngành và UBND H.Hàm Thuận Bắc tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, giải quyết đúng quy định những kiến nghị hợp lý, hợp tình mà người dân gửi đến.
Kết thúc buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cảm ơn bà con và cho rằng nhiều ý kiến của bà con rất xác đáng. Chẳng hạn việc quản lý đất đai còn lỏng lẻo, nhiều dự án chậm triển khai hay việc cấp đất cho dân sản xuất nhưng bà con không sản xuất được do đất cằn cỗi, thiếu nước. "Cho bà con thứ không sử dụng được thì có ý nghĩa gì", ông An nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND H.Hàm Thuận Bắc và các sở, ngành giải quyết sớm nhất những kiến nghị chính đáng của bà con.