Tôi thường xuyên đi làm vắng nhà, kể cả cuối tuần. Khoảng một tuần trước, tôi đi làm về thì thấy mấy vết lõm trên mặt đường đã được trám ximăng.
Tôi thắc mắc trong lòng nhưng chưa gặp ai trong hẻm để hỏi thăm. Đến hôm qua, tôi nhận điện thoại của người đàn ông xưng là hàng xóm, sống ở cuối hẻm, xin số điện thoại của tôi từ tổ trưởng khu phố. Ông này cho biết đã trám phần mặt đường trước cửa nhà tôi, để "tiện cho gia đình chị đón Tết", đồng thời đề nghị tôi trả tiền công 2 triệu đồng.
Tôi khá bối rối vì số tiền ấy không nhỏ, mặt khác gia đình tôi không nhờ mà ông ấy tự ý làm, nên đành bảo "sẽ cân nhắc rồi trả lời sau".
Xin hỏi, tôi có phải trả tiền công cho ông ấy không? Chưa kể phần mặt đường được trám rất bôi bác, sơ sài và hiện đã bong tróc hết vì xe cộ lưu thông qua lại.
Độc giả Phương Linh
Luật sư tư vấn
Theo thông tin chị chia sẻ thì người đàn ông ấy đã thực hiện công việc "không có ủy quyền" được quy định tại Điều 574 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015). Tức là, ông ấy không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện làm vì lợi ích của chị (người có công việc được thực hiện) khi chị không biết hoặc biết mà không phản đối.
Điều 576 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện như sau:
Thứ nhất, người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc, và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện, kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.
Thứ hai, người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.
Như vậy, khi người đàn ông đã trám ximăng phần mặt đường trước cửa nhà chị (dù không có sự ủy quyền, nhờ vả) thì chị vẫn phải thanh toán tiền công hợp lý mà ông ấy đã thực hiện công việc, kể cả khi phần mặt đường được trám sơ sài, bị bong tróc không như mong muốn của chị. Trường hợp chị cảm thấy số tiền ông ấy yêu cầu quá cao thì có thể thương lượng sao cho phù hợp hoàn cảnh thực tế và khả năng của chị.
Tuy nhiên, theo Điều 577 BLDS 2015, nếu trong quá trình trám mặt đường mà người đàn ông cố ý gây thiệt hại thì có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho chị. Nếu thiệt hại là do vô ý thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV TA PHA
Xem thêm: lmth.9401964-gnohk-gnuhc-meh-aus-y-ut-iougn-ohc-neit-art-iahp-oc/ten.sserpxenv