Ngày 20.12, Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp với Hội trọng tài thương mại TP.HCM tổ chức chuyên đề "Thực tiễn việc hủy phán quyết trọng tài thương mại và những vấn đề cần lưu ý trong phán quyết trọng tài thương mại tại TP.HCM".
Ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết TP có 23 Trung tâm trọng tài thương mại, 4 chi nhánh Trung tâm trọng tài thương mại với hơn 561 trọng tài viên đang hoạt động. Ngoài ra, TP.HCM có 4 Trung tâm hòa giải thương mại và 5 tổ chức đăng ký hoạt động hòa giải thương mại, tổng cộng có 314 hòa giải viên thương mại.
Theo thẩm phán Đỗ Quốc Đạt, Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên tham gia quan hệ thương mại thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của luật trọng tài thương mại.
Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc tòa án chỉ định để giải quyết theo quy định của luật Trọng tài thương mại.
Phán quyết trọng tài là quyết định của hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài (khoản 10 điều 3 luật Trọng tài thương mại).
Việc xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là thủ tục tố tụng dân sự đặc biệt thuộc thẩm quyền của tòa án, để xem xét đơn của một, hoặc các bên tham gia trong tố tụng trọng tài.
Cũng theo thẩm phán Đạt, điều kiện và thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: Phát sinh trong hoạt động thương mại (trong đó ít nhất có 1 bên); các trường hợp khác theo quy định của pháp luật; các bên có thỏa thuận trọng tài (trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp). Tòa án phải từ chối thụ lý giải quyết vụ tranh chấp khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu, hoặc không thể thực hiện được.
"Quyết định hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài của tòa án là quyết định cuối cùng, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm", thẩm phán Đạt nêu.
Trong năm 2023, TAND TP.HCM đã thụ lý 30 đơn yêu cầu hủy phán quyết của Trọng tài thương mại, trong đó tòa chấp nhận yêu cầu là 6, bác yêu cầu là 14, đình chỉ là 8, chưa giải quyết 2 đơn.
Ông Đạt cho rằng, nguyên nhân chủ yếu mà tòa hủy phán quyết trọng tài thương mại là do không xem xét, giải quyết toàn diện vụ án; có khiếu nại về kết quả định giá tài sản nhưng hội đồng trọng tài không xem xét; không giải quyết khiếu nại, vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại…