Có hôm Phát nhắn, nhiều hôm bạn khác đã nhắn trước anh. Cả hội chạy thể dục tự quy định có 15 phút cho tỉnh ngủ và vệ sinh để đúng 5 giờ tề tựu đủ mặt ở đường chạy. Ai cũng vui vẻ với không khí Sài Gòn buổi sáng mát mẻ, trong lành và nhất là đường sá còn vắng bóng người xe.
Ngày mới sôi động
5 giờ thiếu 5 phút, Phát đã đứng khởi động làm nóng người ở góc công viên. Vừa thấy bạn bè kéo đến, anh cười khoe đôi giày mới mua 1.250.000 đồng "chạy rất êm chân".
So với giày trong các hội nhóm chạy chuyên nghiệp thì đôi này của Phát là loại "cỏ", nhưng với anh vậy là rất khá rồi. Anh làm công trong một gian hàng ở siêu thị Aeon (quận Bình Tân, TP.HCM) và đang phải phụ gia đình trả góp tiền mua căn hộ chung cư. Số tiền mua giày chạy bộ dù chỉ loại trung bình này cũng khiến anh phải đắn đo nhiều ngày.
Đồng hồ chỉ sang 5 giờ 5 phút, nhóm Phát bắt đầu sải bước chạy. Họ khởi động bằng chạy chậm và có tất cả 55 phút trên đường để đúng 6 giờ mọi người trở về nhà, bắt đầu chuẩn bị một ngày mưu sinh mới.
Phát bấm cái loa di động nhỏ đeo trên người, mở bản nhạc sôi động. Lúc này, đường phố còn vắng bóng người xe, tiếng nhạc không bị nhiều tạp âm nghe thật vui tai.
Các chàng trai trẻ còn đang ở nhịp chạy chậm khởi động thì có mấy cô gái chạy nhanh hơn lướt qua. Họ buông tiếng chọc ghẹo nhau "đua hông, đua hông, trai đẹp, gái đẹp" mà cùng cười vang cả đường phố còn sáng ánh đèn...
Kết thúc buổi thể dục trước lúc mặt trời mọc, Phát vui vẻ kể: "Thiệt ra trước đây tôi ngủ nướng lún giường luôn đó chớ.
Mới chỉ bắt đầu siêng tập thể dục từ hồi dịch giã cách đây ba năm thôi. Thật sự lúc bệnh tật căng thẳng đó mới biết quý trọng sức khỏe và có ý thức rèn luyện cơ thể".
"Mà nó cũng còn phải tập để còn kiếm vợ đẹp nữa, chớ béo phì như hồi trước thì giường cũng sập, sao cô nào chịu nổi", một người bạn hài hước xen vô câu chuyện. Tập luyện đều ba năm qua, Phát kể mình đã giảm được 9kg. Anh cao 1,72m, giờ nặng 67kg, đúng chuẩn "trai đẹp".
Trời thành phố cuối năm, thời tiết oi bức đã giảm bớt phần nào để không khí dễ chịu hơn, nhất là nửa đêm về sáng. Ai đó quen ngủ trễ, thử thức dậy sớm, sẽ được cảm nhận thêm một thành phố thật sinh động, đáng yêu.
Bên cạnh những người phải sớm ra đường để mưu sinh, còn có các cụ già, chàng trai, cô gái vui vẻ rèn luyện sức khỏe.
Nhiều nhóm hăng say chạy bộ, nhiều người thích thú với vòng quay bánh xe đạp để phiêu du trên các con đường vắng dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ hay các con đường xưa rợp lá me bay Nguyễn Du, Lý Tự Trọng.
Các công viên đông vui
Từ 5 giờ sáng, ở các công viên khắp thành phố đã đông đúc người mải mê rèn luyện sức khỏe theo các "môn phái" phù hợp với mình. Từng nhóm cụ già chậm rãi tập dưỡng sinh. Những tốp trẻ đánh cầu lông, mở nhạc tập khiêu vũ hiện đại hoặc aerobic trẻ trung.
Trong lúc các phòng gym đã sáng ánh đèn thì ngoài đường và các công viên có lẽ người đi bộ thể dục là đông nhất.
Có người miệt mài đi một mình, có nhóm vài người và có nhóm cả mấy chục người vừa nối bước nhau vừa nói cười râm ran trong lúc mặt trời đang chuẩn bị ló dạng. Môn thể dục đi bộ có lẽ phù hợp với tất cả lứa tuổi nên cả người già, thanh niên lẫn trẻ em đều vui vẻ sải bước trên đường.
Đặc biệt, gần đây nhiều người dân thành phố còn bị hấp dẫn bởi môn đạp xe thể dục. Hình như chính họ mới là những người xuống đường sớm nhất. Trời mới 4 giờ, ánh sáng trên đường còn phụ thuộc hoàn toàn vào ánh đèn, đã thấy xuất hiện nhiều nhóm người đạp xe tập thể dục.
Một số người đạp loanh quanh trong thành phố, nhưng nhiều nhóm "quen chân", bền sức đã đạp đi xa hơn ra tận vùng ven Bình Chánh, Nhà Bè, Lái Thiêu, Hóc Môn, Củ Chi hoặc vượt cầu Thủ Thiêm qua các cung đường đẹp bên kia thành phố Thủ Đức.
Hầu hết là các nhóm trẻ, nhưng cũng không hề thiếu các nhóm cao tuổi tóc bạc vẫn bền sức rong ruổi đạp xe đường dài.
Ông Nguyễn Hoàng Long, giám đốc Công ty H.L., hào hứng kể mình tới Tết này là tròn 60 tuổi nhưng sáng sáng vẫn đều đặn đạp xe tập thể dục 30km, hai ngày cuối tuần còn đạp xe hai lượt đi - về 60km để tập độ bền, sức chịu đựng của tim mạch và được... ăn bánh canh Củ Chi - Trảng Bàng.
"Môn này mới chơi hơi ngán nhưng sẽ nhanh chóng ghiền với cảm giác thú vị trên đường sá lúc còn mát mẻ, thưa thớt người xe. Tôi chơi xe đạp chục năm nay, đã có bộ sưu tập 15 chiếc xe rồi, trong đó có xe giá lên tới hơn 300.000.000 đồng. Người ta thích sưu tầm ô tô, còn tôi lại khoái xe đạp", ông Long cười nói và cho biết thêm "cái duyên" bước vào thú vui theo vòng bánh xe đạp tới với mình từ khi ông bước sang tuổi 50 và bị chứng khó ngủ.
Cứ 3-4 giờ sáng là ông thức giấc, không thể nào ngủ lại được, và tình cờ được bạn bè giới thiệu nhập hội xe đạp thể dục.
"50 tuổi, tôi mới bắt đầu ghiền xe đạp và không còn sức thanh niên để đua điếc gì nữa, nhưng tới giờ tôi khẳng định mình đủ sức buổi sáng đạp một hơi về Trảng Bàng, ăn tô bánh canh nóng hổi rồi lại đạp về nhà trước 9 giờ sáng để vào công ty", ông Long vui vẻ khoe sức.
Hội xe đạp của ông hiện nay đã có gần 10 người, mà trẻ nhất là tuổi 40, và địa điểm xa nhất mà họ đã đạp đến là Cà Ná (Ninh Thuận)...
Những cuộc trò chuyện trước lúc bình minh của chúng tôi không bao giờ được kéo dài, vì hầu hết mọi người đều tranh thủ tập thể dục rồi về đi làm hay đưa con cháu đi học.
Tuy nhiên, hầu hết cuộc tâm sự nào cũng ngập tiếng cười - tiếng cười của sức khỏe tốt, của sự vui vẻ, lạc quan và tình yêu cuộc sống...
Thêm mến yêu thành phố này
Sáng sáng cứ tầm gần 5 giờ, khi mặt trời chuẩn bị mọc, có lẽ nơi sinh động, vui vẻ nhất của thành phố chính là ở các công viên. Hầu như nơi nào cũng rất đông người tập thể dục, từ các chàng trai, cô gái đến già trẻ, lớn nhỏ gì cũng có mặt. Nhiều người còn kéo cả gia đình mấy thế hệ ra tập với nhau đầy sức sống.
Đôi vợ chồng trẻ Trần Thanh Tú - Đỗ Mỹ Linh, ở chung cư trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8), nói mỗi ngày họ có hai buổi quây quần đầm ấm bên nhau là bữa cơm tối và khoảng thời gian từ 5h đến 6h của buổi thể dục sáng.
Cùng nhau tập luyện sức khỏe xong, họ về nhà tắm rửa, dẫn nhau đi ăn sáng rồi vợ chồng mới chia tay nhau để đến chỗ làm. Chị Linh vui vẻ tâm sự: "Chúng tôi đã duy trì được lịch sinh hoạt lành mạnh này hơn ba năm và cảm thấy vui khỏe hơn, cũng như thêm yêu mến cuộc sống sôi động mà bình yên ở thành phố dễ thương này".
"Bình minh của tui hả? Chắc là lúc 1 giờ sáng đó", chị Phùng Thị Mến vừa cười vừa kể ngày mới mưu sinh của mình.