Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Tại phiên họp, một số đại sứ đã trình bày về tình hình sở tại, các xu hướng phát triển kinh tế và cơ hội cho Việt Nam.
Tranh thủ xu hướng của doanh nghiệp nước ngoài
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm đến việc tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất tới các quốc gia thân thiện cũng như tăng khả năng tự lực, tự cường trong nước để tăng khả năng ứng phó.
Về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ, ông Dũng cho hay doanh nghiệp nước này thường ưu tiên cao sự ổn định, theo dõi sát và nhạy bén về chính trị.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm vào các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh… để tranh thủ các chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm tiếp tục dẫn đầu về công nghệ.
Đáng chú ý các doanh nghiệp Mỹ thường có xu hướng hợp tác, đi cùng nhau để cùng tạo một quần thể hệ sinh thái hoàn chỉnh, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, năng lượng,…
Năm 2024, do Mỹ có các cuộc bầu cử quan trọng nên nước này sẽ tập trung cho các vấn đề nội bộ nhiều hơn. Do đó ông Dũng đề xuất Việt Nam rất cần chủ động để duy trì quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa mới thiết lập.
Cũng liên quan việc thu hút đầu tư nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng cho rằng Việt Nam có thể tận dụng các quỹ đầu tư nhà nước tại vùng Vịnh. Hiện khu vực này có các quỹ đầu tư nổi bật như Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (ADIA) của UAE, Cơ quan Đầu tư Kuwait (KIA), Quỹ đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia, Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA),…
Những quỹ đang quản lý hàng trăm tỉ USD tài sản này đang có kế hoạch đa dạng hóa địa điểm đầu tư, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ mà còn dần mở rộng ra các khu vực khác như châu Á.
Trong đó các quỹ đặc biệt chú ý những nước mới nổi vì tin rằng có thể mang lại lợi nhuận cao hơn các thị trường truyền thống cũng như các lĩnh vực mới như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, blockchain,…
Ông mong muốn Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư với các nước vùng Vịnh để các quỹ nói trên thêm tin tưởng và mạnh dạn đầu tư. Ví dụ với Saudi Arabia, Việt Nam cần sớm có hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương.
Các bộ, ngành cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu về các quỹ, trong khi doanh nghiệp thì cần chủ động nghiên cứu chiến lược thu hút nguồn vốn, với các dự án cụ thể và phù hợp.
Hợp tác với EU để đi trước
Nói về hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam trong bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo khẳng định hợp tác với EU trong lĩnh vực này sẽ có tác động mạnh mẽ với các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…
"Lãnh đạo EU đánh giá cao cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon. Chúng tôi kiến nghị cần giữ đà quan hệ với EU, giữ hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu bởi hợp tác này là đúng lĩnh vực, đúng đối tác, đúng thời điểm".
Theo ông Thảo, thông qua hợp tác với EU, Việt Nam sẽ có điều kiện thúc đẩy hợp tác bền vững, điện gió, giảm phát thải nhựa đại dương và các vấn đề môi trường. Đây là các lĩnh vực EU có thế mạnh và có nhu cầu hợp tác, đồng thời sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Hơn nữa hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu hiện là xu thế của thế giới và bản thân EU cũng đã có nhiều quy định về phát triển bền vững đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.
Một loạt chính sách mới như chính sách về carbon, trách nhiệm giải trình… sẽ có tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của Việt Nam nếu chúng ta không đáp ứng quy định, nhất là các ngành lớn như dệt may, da giày… Vì vậy lựa chọn tốt nhất là Việt Nam chủ động thích ứng, hợp tác với EU trong lĩnh vực này.
Ngoài ra dù trước mắt chỉ có EU nhưng thời gian tới có thể cả Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc cũng sẽ ban hành các quy định tương tự. Theo ông Thảo, nếu Việt Nam đi trước sẽ có cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Cũng tại phiên họp, đại diện một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã trình bày các mục tiêu phát triển, đồng thời nêu ra các kiến nghị, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và phối hợp từ các bên liên quan.
Phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 khai mạc hôm 19-12. Hội nghị sẽ tiếp tục làm việc đến ngày 23-12 tới.
"Những quyết sách đúng đắn, những bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử" trong đối ngoại Việt Nam ba năm qua đã vẽ nên một bức tranh sinh động về đối ngoại Việt Nam được quốc tế và trong nước ủng hộ.