Với việc giới chức Mỹ đóng 2 cửa khẩu đường sắt từ Mexico với các thành phố Eagle Pass và El Paso, khoảng 10.000 toa tàu hàng đã bị ách tắc ở các ga nằm 2 bên biên giới.
Đại diện giới doanh nghiệp Mexico cho biết, 2 ngày đóng cửa vừa qua đã khiến họ chịu thiệt hại lên tới 200 triệu USD.
Việc đóng cửa biên giới gây ảnh hưởng nặng nề nhất với ngành nông nghiệp Mexico, vốn phụ thuộc vào nguồn đầu vào từ Mỹ làm thức ăn chăn nuôi.
Các doanh nghiệp cho biết, hiện nguồn dự trữ thức ăn chăn nuôi của họ chỉ còn đủ cho 3 - 8 ngày với đậu tương và 8 - 20 ngày với ngô. Nếu không bổ sung kịp thời, các mặt hàng thịt bò và thịt lợn xuất khẩu có thể bị gián đoạn.
"Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính phủ Mỹ và Mexico sớm giải quyết vấn đề người di cư để tránh ảnh hưởng đến dòng lưu thông hàng hóa, bởi các biện pháp hiện nay sẽ chỉ làm thiệt hại cho nền kinh tế của cả 2 nước", thông cáo của Hiệp hội chủ sử dụng lao động Mexico (COPARMEX) nêu rõ.
Người di cư từ Ciudad Juarez (Mexico) vượt sông Rio Grande để tìm cách vào Mỹ. (Ảnh: AFP)
Không chỉ tại Mexico, các doanh nghiệp Mỹ cũng chịu ảnh hưởng đáng kể từ gián đoạn vận tải qua biên giới. Ngay sau khi các cửa khẩu bị tạm đóng, các hãng đường sắt Union Pacific và BNSF đã cảnh báo các tuyến đường khác của họ sẽ không đủ năng lực xử lý khối hàng hóa khổng lồ đi qua 2 cửa khẩu này và hối thúc giới chức sớm mở lại cửa khẩu.
Theo số liệu của Bộ Giao thông Mỹ, tính tới hết tháng 10, 2 cửa khẩu El Paso và Eagle Pass chiếm tới gần 36% lưu thông hàng hóa bằng đường sắt giữa Mỹ và Mexico, với giá trị khoảng 34 tỷ USD trong vòng 12 tháng.
"Việc đóng các cửa khẩu Eagle Pass và El Paso không chỉ gây tổn hại cho doanh nghiệp, mà cả nông dân, công nhân và người lao động khác tại Mỹ, những người có công việc phụ thuộc vào dòng luân chuyển hàng hóa qua biên giới thông suốt", ông Neil Bradley, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, đánh giá.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, so với các cửa khẩu biên giới khác, người nhập cư trái phép qua hệ thống tàu chở hàng vào Mỹ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và cần những biện pháp hiệu quả hơn từ giới chức 2 nước, trong bối cảnh Mexico là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của Mỹ và thứ hai về xuất khẩu nông nghiệp.
VTV.vn - Năm nay, dù kinh tế tích cực hơn những năm dịch, nhưng chuyện thưởng Tết của các doanh nghiệp Mỹ vẫn mỗi nơi một cách, không ai giống ai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!