Đại sứ VN tại Mỹ kiến nghị một số biện pháp nhằm cụ thể hóa nội hàm kinh tế trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện VN - Mỹ. Đó là VN cần có cơ chế phối hợp liên ngành dưới sự chủ trì của một phó thủ tướng, từ các cơ quan đầu mối tổng hợp, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung đã thỏa thuận. Bộ ngành, các địa phương, tổ chức, DN nghiên cứu kỹ các văn kiện, chủ động đề xuất, rà soát các nội dung, kinh phí lộ trình hợp tác cụ thể; tiến hành các công việc chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; chủ động liên hệ, tìm kiếm các đối tác, DN Mỹ. Đồng thời, các cơ quan đầu mối nên gặp gỡ, tiến hành họp với phía Mỹ để xác định rõ các ưu tiên và lộ trình thực hiện.
Với nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, từ góc độ địa bàn EU, Đại sứ VN tại Bỉ, Trưởng phái đoàn VN tại Liên minh Châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo kiến nghị đưa hợp tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu thành lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên trong thời gian tới. EU đã đầu tư rất nhiều về tài chính, công nghệ, môi trường thể chế để thúc đẩy lĩnh vực này. Do đó, đây là đối tác rất phù hợp với VN hiện nay.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, EU đã ban hành một loạt chính sách mới, như chính sách về carbon, chính sách về trách nhiệm giải trình... Theo Đại sứ Thảo, những chính sách này sẽ có tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của VN nếu không đáp ứng quy định, nhất là các ngành lớn như dệt may, da giày… Vì thế, lựa chọn tốt nhất là VN chủ động thích ứng, hợp tác với EU trong lĩnh vực này.
Chia sẻ về thị trường Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình nhận định, những điều chỉnh chính sách kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ có một số tác động thuận nghịch đan xen tới kinh tế VN. Ông Bình kiến nghị tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng VN có thế mạnh (nông, thủy, hải sản), nhất là tại các địa phương còn nhiều tiềm năng chưa khai thác của Trung Quốc; từng bước thúc đẩy thương mại chính ngạch, chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững...
Về đầu tư, ông Bình nhìn nhận vốn FDI của Trung Quốc vào VN gần đây có những cải thiện, song nhìn chung vẫn chưa có những dự án quy mô lớn, mang tính biểu tượng. Trong bối cảnh Trung Quốc có nhu cầu đầu tư ra bên ngoài, VN cần tăng cường thống nhất nhận thức trong nội bộ, sớm xác định một số dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn của ta mà Trung Quốc có ưu thế, như cơ sở hạ tầng chiến lược, công nghiệp phụ trợ, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để trao đổi, thúc đẩy hợp tác.
Đại sứ VN tại Ả Rập Xê Út Đặng Xuân Dũng thì bày tỏ mong muốn VN sẽ hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư với các nước vùng Vịnh để họ thêm tin tưởng và mạnh dạn đầu tư. Ví dụ với Ả Rập Xê Út, VN cần sớm có hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương.