Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Lourenco ký sắc lệnh cho phép Angola rời OPEC tại cuộc họp nội các trước đó. Lý giải nguyên nhân, ông Azevedo cho biết, Angola nhận thấy sự tham gia của quốc gia này trong OPEC không còn phục vụ lợi ích của đất nước, do đó nước này sẽ rời đi.
Những bất đồng giữa Angola và OPEC bắt đầu từ tháng 6 năm nay khi nước này không chấp nhận yêu cầu từ phía Saudi Arabic - thành viên chủ chốt của OPEC về việc cắt giảm sản lượng khai thác cho năm 2024. Trong cuộc họp gần nhất của OPEC+ vào cuối tháng 11 vừa qua, Angola cũng tuyên bố nước này sẽ tiếp tục khai thác vượt mức hạn ngạch do OPEC đề ra.
Quyết định trên của Angola được đưa ra trong bối cảnh OPEC đang nỗ lực kêu gọi các nước thành viên cắt giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu đang đà giảm mạnh trên thị trường thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng sự rời đi của Angola sẽ không có nhiều tác động đáng kể đến nguồn cung dầu do sản lượng của Angola chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng của OPEC, tuy nhiên động thái này đặt ra dấu hỏi lớn về sự thống nhất của nhóm trong tương lai.
Phản ứng trước thông tin trên, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục đà giảm. Giá dầu Brent chốt phiên giao dịch ngày hôm qua đã giảm hơn 1 USD – tương đương mức giảm 2,4%, xuống còn 78,50 USD/thùng.
Angola gia nhập OPEC từ năm 2007 và đóng góp sản lượng khai thác trung bình khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày trên tổng số 28 triệu thùng của toàn khối.
Với việc Angola rời đi, OPEC hiện chỉ còn 12 thành viên với sản lượng đạt khoảng 27 triệu thùng/ngày, chiếm 26,5% tổng sản lượng dầu của thị trường thế giới. Angola cũng là quốc gia thứ 3, sau Ecuador và Qatar quyết định rời OPEC trong những năm qua.
Xem thêm: nhc.654025460222132881-cepo-ior-ob-neyut-ihp-uahc-2-uht-nol-uad-caht-iahk-aig-couq-alogna/nv.fefac