Tờ Wall Street Journal (WSJ) và Techcrunch cho hay trong năm vừa qua, ngành công nghệ đã chứng kiến hơn 258.803 lao động mất việc (tính đến ngày 20/12/2023), lớn hơn tổng số nhân sự toàn ngành bị sa thải trong 3 năm 2020 (80.968 người), 2021 (15.023) và 2023 (152.366) cộng lại.
Ngay từ đầu năm 2023, hàng loạt những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Alphabet (Google), Amazon, Microsoft, Yahoo, Meta (Facebook) và Zoom đã quyết định cắt giảm hàng loạt nhân viên nhằm đối phó với 1 năm khó khăn.
Số liệu cho thấy riêng trong tháng 1/2023, ngành công nghệ đã sa thải đến gần 90.000 lao động khi Alphabet (Google) đuổi việc 12.000 nhân sự, Microsoft sa thải 10.000 lao động còn Amazon thì cắt giảm 18.000 người.
Theo dõi của trang Layoffs.iyi hàng tháng cho thấy trong năm 2023, toàn thế giới đã chứng kiến 1.162 doanh nghiệp công nghệ sa thải lao động, cao hơn so với 1.064 hãng cắt giảm nhân sự của năm trước.
Tính toán của Layoffs.iyi cho thấy trong năm vừa qua, Amazon đã đuổi việc tổng cộng hơn 27.410 nhân sự, Meta là hơn 21.000 người trong khi Microsoft cắt giảm hơn 11.145 lao động.
Báo cáo của Challenger, Gray & Christmas vào tháng 10/2023 cho thấy đợt sa thải nhân sự công nghệ năm nay được cho là tồi tệ nhất kể từ năm 2001.
Với việc các ông lớn công nghệ phải gồng mình như vậy thì mảng startup và doanh nghiệp nhỏ càng thê thảm hơn khi tuyên bố sa thải hàng loạt hoặc thậm chí đóng cửa trong nửa đầu năm nay.
Theo Techcrunch, mặc dù tình hình đã thuyên giảm trong mùa hè nhưng bước vào đợt cuối năm, đà sa thải đã tăng trở lại khi các công ty báo cáo kết quả kinh doanh không như ý và đòi hỏi cắt giảm chi phí nhiều hơn nữa.
Mặc dù nỗi lo khủng hoảng kinh tế Mỹ đã trôi qua trước các số liệu hồi phục tích cực nhưng nhiều chuyên gia nhận định ngành công nghệ lại chẳng thể hồi phục theo sau đó. Hàng loạt các tập đoàn vẫn đang cố gắng cắt giảm chi phí nhân lực nhằm đối phó với tình hình thị trường ảm đạm hiện nay.
Theo tờ New York Times (NYT), đại dịch Covid-19 khiến các hãng công nghệ tuyển nhiều nhân viên hơn để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đang bị cách lý và phải làm việc, mua sắm, giao lưu qua Internet nhiều hơn.
Ngoài ra, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ mức lãi suất thấp trong nhiều năm, nhất là năm 2021 đã cho phép các hãng công nghệ tích cực huy động vốn giá rẻ và có thừa ngân sách để đầu tư tuyển dụng, tăng trưởng.
Tuy nhiên khi rủi ro khủng hoảng manh nha năm 2022 khiến lạm phát tăng cao, buộc FED tăng lãi suất mạnh thì tình hình đã đảo ngược.
Nguồn vốn bị siết chặt cùng áp lực cổ đông khiến hàng loạt ngành công nghệ phải cắt giảm chi phí nhân lực. Thêm vào đó đà tăng trưởng không như ý muốn của mảng này càng khiến kết quả kinh doanh trong năm 2023 không được như kỳ vọng.
Tờ NYT nhận định phần lớn các đợt sa thải đầu năm 2022 đến từ các hãng khởi nghiệp, rồi dần lan ra cả tập đoàn công nghệ lớn từ cuối năm 2022 sang đầu năm 2023.
Đến cuối năm nay, nhu cầu tuyển dụng lao động công nghệ cũng không tăng lên vì dịp nghỉ lễ mua sắm như mọi năm, khiến thị trường tiếp tục ảm đạm.
Theo Business Insider (BI), sự kết hợp hiếm hoi giữa chế độ đãi ngộ hào phóng và sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống đã giúp nhân viên công nghệ hạnh phúc hơn nhân viên trong các ngành khác.
Đánh giá của Glassdoor cho thấy trước đại dịch, hơn 80% nhân viên công nghệ nói rằng họ sẽ giới thiệu công ty của mình cho bạn bè, cao hơn hầu hết mọi ngành khác được theo dõi.
Tuy vậy tất cả đã thay đổi vào năm 2023. Sự hài lòng của nhân viên trong giới công nghệ đã giảm mạnh, tương ứng với những người làm trong lĩnh vực tài chính và tư vấn - những ngành thường cạnh tranh để giành được cùng một nhóm nhân tài có trình độ học vấn cao và đang được săn đón.
Hãng tin Bloomberg cho hay anh Mikael Rahmani là một sinh viên mới tốt nghiệp trường đại học Boston và đang khó tìm việc làm dù đã gửi hồ sơ đến 15 doanh nghiệp mỗi tuần. Điều trớ trêu là anh Rahmani ban đầu thực tập tại hãng HP Inc và đã nhận được lời mời làm việc toàn thời gian, nhưng chàng sinh viên này từ chối vì không muốn xa quê nhà Houston.
Tại thời điểm đó, thị trường lao động vẫn sôi nổi và anh Rahmani tự tin rằng bản thân sẽ kiếm được công việc khác phù hợp mong muốn hơn.
Thế rồi khi cơn bãi sa thải ập tới, tình hình đã thay đổi đến 180 độ, nhất là với các sinh viên ngành công nghệ hay tài chính. Doanh nghiệp liên tục sa thải nhân sự và không có nhiều người muốn chuyển việc nữa, để lại khoảng trống cơ hội ngày càng nhỏ cho các bạn mới ra trường.
Trả lời Bloomberg, rất nhiều trung tâm tuyển dụng tại các trường đại học thừa nhận nhu cầu thị trường đang ảm đạm chưa từng thấy trong nhiều năm qua.
Thậm chí ngày càng nhiều thực tập sinh chẳng hề nhận được lời mời làm việc so với trước đây, trong khi những lời mời cũ dễ dàng bị trì hoãn hoặc thậm chí đơn phương hủy bỏ.
Số liệu của LinkedIn cho thấy tuyển dụng trong ngành công nghệ và tài chính đã giảm hơn 20% vào tháng 11/2023 so với cùng kỳ năm trước.
Tồi tệ hơn, bình quân năm 2022 cứ mỗi vị trí tuyển dụng sẽ có 1 đơn ứng tuyển thì con số này năm 2023 là 2 đơn ứng tuyển cho mỗi vị trí. Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh tìm việc làm ngày một tăng cao khi lượng sa thải nhiều lên.
“Cứ đà này thì cuối cùng những sinh viên đại học sẽ phải đi làm bồi bàn, pha chế cà phê hay giao hàng mà thôi”, chuyên gia kinh tế Korry Kantenga của LinkedIn nhận định.
Đồng quan điểm, sinh viên Nicole Jurado tốt nghiệp trường đại học Miami cho biết tìm việc bây giờ chẳng khác nào một cuộc thi “tắm máu”. Cô sinh viên mới ra trường này đã nộp đơn đến 26 vị trí và thậm chí lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng nhưng vẫn ra về trắng tay.
Đây là một kết quả cực kỳ gây sốc với Jurado khi bản thân cô từng được 4 tập đoàn lớn mời về làm thực tập sinh năm 2022. Thế nhưng vị nữ sinh viên này lại từ chối cả 4 vì muốn tập trung thi cử để tốt nghiệp với quan điểm muốn chọn công việc “đủ tiêu chuẩn” khi ra trường.
Giờ đây chính Jurado lại đang hối hận vì sự ngu ngốc này của mình.
“Năm nay tôi chẳng nhận được lời đề nghị việc làm nào cả. Tôi thật ngu ngốc. Đáng lẽ ra tôi phải biết mình ở đâu và muốn gì. Giờ đây tôi chỉ muốn thức dậy mỗi sáng và hạnh phúc vì có việc làm”, cô Jurado than thở.
Theo Economist, đây là thời điểm không hề thích hợp cho những sinh viên mới ra trường tham gia thị trường lao động công nghệ. Trong suốt nhiều năm, ngành công nghệ tăng trưởng với vô số công ty khởi nghiệp cần tuyển dụng lao động, các tập đoàn lớn thì luôn tăng trưởng với lợi nhuận khủng và mở rộng thêm nhân sự.
Ảo tưởng với thành công rực rỡ trong đại dịch Covid-19, vô số công ty quyết định mở rộng mạnh mẽ để bắt sóng tăng trưởng hậu dịch, ví dụ Meta đã tăng gấp đôi số nhân viên của mình trong thời gian cực ngắn.
Thế rồi khi ảo tưởng tan vỡ với lợi nhuận sụt giảm và doanh thu giảm tốc trước các đối thủ như Tik Tok, nền kinh tế khó khăn hơn, chuỗi cung ứng đứt gãy và lãi suất tăng cao đã buộc vô số những tập đoàn công nghệ như Meta phải liên tục cắt giảm nhân sự.
Đặc biệt đầu năm 2023 khi phải báo cáo kết quả kinh doanh cho các cổ đông, nhiều CEO muốn nhấn mạnh khả năng tiết kiệm chi phí, hướng đến tăng trưởng dài hạn và thể hiện công ty đang có hành động bằng việc sa thải hơn 300.000 lao động toàn ngành trong 1 năm rưỡi qua, mức nhiều nhất suốt 2 thập niên kể từ vụ khủng hoảng bong bóng dotcom.
Ngay lập tức, những hội chợ việc làm trở nên “có giá” khi các sinh viên xếp hàng dài từ sáng sớm khi chưa mở cửa. Nhiều bạn còn mặc cả âu phục đến phỏng vấn, một điều khá lạ lẫm khi thông thường sinh viên chỉ mặc áo phông và có những cuộc chuyện trò thoải mái.
Trước đây, việc các sinh viên muốn vào làm những tập đoàn lớn có tên tuổi không chỉ vì mức lương mà còn muốn làm đẹp hồ sơ của mình, bởi khi chuyển sang công việc mới, họ sẽ dễ dàng đàm phán được hợp đồng việc làm có lợi hơn.
“Tên tuổi công ty rất quan trọng bởi đó là sự nhận diện cho kỹ năng của chúng tôi khi đi xin việc. Mọi người sẽ kiểu: ‘Ồ bạn này đã từng làm việc ở công ty này’”, cô Araya nói.
Tuy nhiên những tập đoàn lớn giờ đây lại không còn có sức hút như vậy nữa sau khi họ sa thải hàng loạt lao động, kể cả những người cống hiến lâu năm cho doanh nghiệp chỉ bằng một dòng thư điện tử. Nhiều người chỉ biết mình sa thải khi không vào được cửa công ty, hoặc nhận email lúc nửa đêm.
Sự “lật mặt” này khiến các sinh viên Mỹ ngày nay có tư duy thay đổi khi coi trọng những doanh nghiệp nhỏ nhưng đoàn kết và trân trọng nhân viên hơn là các tập đoàn lớn có phúc lợi tốt nhưng sẵn sàng đuổi việc bất cứ lúc nào.
“Giờ thì bất kỳ công ty nào chịu thuê tôi cũng được”, sinh viên mới ra trường Araya (nhân vật đã đổi tên) nói với tờ Economist sau khi gửi hồ sơ đến gần 50 công ty công nghệ nhưng đều bị từ chối.
*Nguồn: WSJ, Techcrunch, NYT, BI, Bloomberg