Hơn 80 năm cuộc đời mình, dù đã đảm nhiệm qua nhiều vai trò khác nhau, từ bộ đội, nhà báo, nhà văn, trợ lý cho chủ tịch Mặt trận giải phóng miền Nam, tư vấn cho thủ tướng, nhà khoa học, doanh nhân, người làm thiện nguyện... nhưng tôi vẫn thích nhất được là một người lính.
Vì chỉ cần là người lính thì ở mặt trận nào cũng tiên phong, quyết tâm làm và làm cho bằng được nhiệm vụ của mình.
Còn nhớ, khi dịch COVID-19 rất căng thẳng ở TP.HCM, tôi cùng với hội đồng hương Phú Yên ở TP.HCM, chính quyền địa phương tổ chức 800 chuyến xe, đưa gần 18.000 người Phú Yên về quê an toàn.
Khi đó, có nhà văn hỏi tôi động cơ nào khiến tôi ở tuổi ngoài 80 còn dám xông pha nơi "trận tiền" như thế, tôi không thể lý giải gì hơn ngoài một sự thật rằng tôi vốn là lính Cụ Hồ.
Những người lính già chúng tôi vừa có chuyến về thăm lại chiến khu Trung ương Cục miền Nam xưa - thủ đô kháng chiến thời chống Mỹ ở Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia.
Một chuyến đi cảm động vô cùng với những người lính. Cảm xúc vẫn y như ngày nào ở chiến khu chúng tôi được nhân dân nuôi nấng, chở che. Bây giờ người dân vẫn yêu thương bộ đội, vẫn trìu mến và nhẫn nại như thế.
Nhưng những người lính thì có chút ngậm ngùi khi thấy đồng bào mình ở miền biên giới này còn nhiều người nghèo quá. Đất nước khấm khá rồi mà vẫn còn nhiều người nghèo khổ.
Cuộc trả nghĩa đồng bào có lẽ không chỉ cần những chuyến trở về của những người lính năm xưa như chúng tôi, mà còn cần sự chung tay của cả đất nước. Trong cuộc đời, tôi đã đi rất nhiều chuyến trả nghĩa đồng bào, trả nghĩa đồng đội như thế, và mỗi chuyến đi lại khiến chúng tôi nghĩ suy về nhân dân, người lính và đất nước mình.
Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập của dân tộc mình từ thời chống Pháp, sang chống Mỹ chúng ta đều chiến thắng những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới.
Quân đội và nhân dân ta đã tạo nên những huyền thoại như: Điện Biên Phủ, thành cổ Quảng Trị, đất thép Củ Chi, đặc biệt là ngày 30-4-1975.
Những chiến thắng này đều dựa vào sức mạnh của toàn dân nhưng tiên phong là anh bộ đội Cụ Hồ, những người không nề hà bất cứ điều gì, kể cả hy sinh tính mạng của mình cho đất nước. Hôm nay, bao nhiêu đồng chí còn đây thì cũng là bấy nhiêu đồng chí đã nằm xuống.
Cuộc chiến tranh đã trôi qua nửa thế kỷ nhưng truyền thống hào hùng đánh giặc giữ nước vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Tôi rất mong thế hệ hôm nay giữ truyền thống đó, mang nó vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và tiếp tục lan tỏa truyền thống này vào lớp trẻ.
Xưa những anh bộ đội Cụ Hồ chủ yếu là lớp thanh niên, nhiều sinh viên gác bút nghiên lên đường ra trận. Nay nếu truyền thống đó cũng theo lớp trẻ đi vào trong nghiên cứu, học tập, lao động thì chắc chắn sẽ mang đến những thành tựu lớn lao thời bình.
Ngày xưa chúng ta đánh giặc rất sáng tạo, tôi mong ngày nay lớp trẻ cũng có những sáng tạo đột phá trong dựng xây đất nước.
Xây dựng đất nước Việt giàu mạnh thời bình chắc chắn không phải là một nhiệm vụ khó khăn, nếu mỗi người Việt chỉ cần tâm niệm sống làm sao không phụ xương máu của cha ông mình, không phụ những linh hồn liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước đứng lên.
Cứ đều đặn trưa chủ nhật hằng tuần, dưới gốc cây đa tỏa bóng xanh rì trước cửa đồn Mang Cá (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế) lại tấp nập người đến mua cơm 2.000 đồng của "bộ đội Tài".