UBND thành phố Thủ Đức quyết tâm thực hiện Đường sách Thủ Đức với mong muốn tạo dựng không gian lâu dài phát triển văn hóa đọc, gắn kết người làm sách và người đọc, các hoạt động văn hóa, du lịch…
Đường sách Thủ Đức với hoa hướng dương
Trong báo cáo quá trình hình thành, xây dựng Đường sách thành phố Thủ Đức, ông Lê Hoàng, giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, thay mặt các đơn vị đầu tư bày tỏ cảm ơn rất nhiều đơn vị đã đồng hành, vượt qua bao khó khăn, thách thức cùng UBND thành phố Thủ Đức và Hội Xuất bản Việt Nam để có được con đường sách Thủ Đức xinh đẹp.
Ông Hoàng cho biết thiết kế Đường sách thành phố Thủ Đức lấy cảm hứng từ hình ảnh sông nước Nam Bộ. Các bước chuẩn bị kéo dài hơn một năm.
Động thổ thực hiện là ngày 12-8-2023. Giá trị công trình phần xây lắp gian hàng và các không gian chức năng là 10 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Có 12 đơn vị xuất bản phát hành sách, các đơn vị văn hóa dịch vụ tham gia, 22 gian hàng kinh doanh sách và cà phê sách.
Một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ba sân khấu và một không gian tương tác văn hóa đọc.
Hai không gian trưng bày triển lãm, hoạt động lễ hội. Ba không gian đọc sách cộng đồng, trò chơi trí tuệ vận động nhẹ…
Các công trình trải dài trên vỉa hè đường Hồ Thị Tư dài 190m, rộng 19,6m. Diện tích trên 3.500m2.
Ông Lê Hoàng kỳ vọng đường sách khi đi vào hoạt động sẽ là thiết chế văn hóa ngoài trời: "Là không gian văn hóa tri thức, giáo dục, dịch vụ văn minh thông qua sự lan tỏa của sách, phát triển văn hóa đọc" - ông nói và mong nơi đây sẽ là điểm đến tinh thần được người dân Thủ Đức yêu mến.
Đường sách Thủ Đức đã chọn mascot biểu tượng của mình là hoa hướng dương. Đây cũng là biểu tượng của thành phố Thủ Đức mang ý nghĩa thân thiện, năng động, hướng năng lượng tích cực về phía Mặt trời.
Sẽ có bốn mô hình đường sách ở bốn trục của thành phố
Ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, bày tỏ cách đây 7 năm Đường sách TP.HCM ra đời đã trở thành nét son của văn hóa, du lịch, ngành xuất bản thành phố ta.
Vì vậy, sự ra đời của Đường sách thành phố Thủ Đức như là nối dài thành công của Đường sách TP.HCM.
Ông Thắng thông tin thành phố định hướng tăng cường văn hóa đọc, tăng cường không gian sách, vì vậy dự kiến sẽ phát triển không gian sách ở bốn trục của thành phố.
Phía đông là Đường sách thành phố Thủ Đức. Phía nam là quận 7, phía tây dự kiến là quận Bình Tân và phía bắc sẽ là Củ Chi.
Ông Thắng nhấn mạnh sự ra đời Đường sách thành phố Thủ Đức hôm nay sẽ cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho các địa phương khác chuẩn bị làm mô hình này.
Trong ngày đầu ra mắt, Đường sách thành phố Thủ Đức thu hút khá đông người dân đến tham quan và chọn mua sách.
Dưới những tán cây rợp mát với những chiếc cầu xinh xinh bắc qua từng gian hàng, đường sách tạo cảm tình với vẻ yên bình và thơ mộng.
Để chào mừng sự kiện này, sẽ có một tuần hoạt động sôi nổi tại Đường sách thành phố Thủ Đức.
Mỗi ngày sẽ có các cuộc giao lưu, trò chuyện, giới thiệu sách. Chẳng hạn chương trình Chuyến xe công nghệ, tọa đàm Khuyến đọc-hành trình lan tỏa, giao lưu Thay đổi giữa văn hóa đọc và nghe của độc giả trẻ trong xu hướng chuyển đổi số, giao lưu với nhà văn Nhật Chiêu và dịch giả Quế Sơn chủ đề Những thể nghiệm nhân sinh trong tác phẩm của Kawabata Yasunari…
Chương trình kể chuyện âm nhạc Giáng sinh cổ tích, giao lưu cùng nhà văn Gia Bảo cùng câu chuyện tình bạn trong Soái ca Mèo Mái Ngói và Nông trại Hoa Đậu Biếc, những gợi mở về sáng tác văn học thiếu nhi, giao lưu với nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải với tác phẩm Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời, thuyết trình Thơ tình lục bát và Haiku ba nước Đông Á…
Đường sách thành phố Thủ Đức là công trình hưởng ứng đợt hoạt động cao điểm 500 ngày thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chào mừng thành phố Thủ Đức bước sang năm thứ tư hình thành và phát triển.
Sáng 22-12, Đường sách thành phố Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đường sách thành phố Thủ Đức nằm tại đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú.